Những năm gần đây, thương mại điện tử đã không còn xa lạ với xã hội và đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. 

W-minh-hoa.png

Cuối năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh covid, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ sổ, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp vưọt qua khó khăn, tỉnh Bình Dương chính thức khai trương Sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Quyết định khi đó đã góp phần xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ DN bắt kịp đà phát triển, nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất không những sớm vượt qua khó khăn mà còn bắt kịp xu thế của thời đại kinh tế số. UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương Bình Dương xây dựng Sàn TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ DN từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Sàn TMĐT Bình Dương được thiết kế là một sàn giao dịch TMĐT B2B (business to business), B2C (business to consumer) và C2C (consumer to consumer), đáp ứng nhu cầu không chỉ cho các DN, hộ kinh doanh mà còn cho cả người tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap… đến nay, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT và hơn 350 tổ chức, cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch.

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam năm 2023 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số EBI của Bình Dương xếp thứ 4 cả nước (giữ nguyên thứ  hạng năm 2022), với 35,7 điểm.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam năm 2023, Bình Dương đứng thứ 4

Sau hơn 1 năm khai trương Sàn thương mại điện tử, tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bình Dương năm 2023.

Mục đích của kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo TMĐT; đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch mua bán trên các sàn TMĐT sẽ được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, ký tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn TMĐT. Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong sử dụng dịch vụ và mua sắm hàng hóa tại các cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống.

Phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ dân số mua sắm trực tuyến đạt 10%, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 15%, 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số điện tử; 30% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT…

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV