Bước tiến dài trong xây dựng chất lượng sản phẩm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020–2025), ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước bước đầu đã có những sự chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến) và loại hình tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp), đã từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, đặc biệt trong chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm.
Đến nay, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh hiện có 424.754 ha, trong đó cây cao su và điều đứng đầu cả nước, cụ thể: Cây cao su diện tích là 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây Điều có diện tích là 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà phê diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu diện tích là 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước).
Lĩnh vực chăn nuôi: Đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn như CP, Jafap Coomfeed Việt Nam, Newhop.... Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 478 trang trại, trong đó tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66% (316 trang trại). Về tổng đàn: Đàn trâu 12.725 con; đàn bò 39.174 con; đàn lợn 1.955.617 con và đàn gia cầm 13.585,63 ngàn con.
Về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Diện tích quy hoạch các khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là 2.374 ha, diện tích đã đưa vào sản xuất là 1.643 ha thực hiện các dự án trồng chuối xuất khẩu, chủ yếu được xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngoài ra, còn có sản xuất nhà lưới, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới tự động, như: Dưa lưới, rau, Sầu riêng, Bưởi, Nhãn... Diện tích ứng dụng tưới nước tiết kiệm: 6.088,9ha (trong đó, cây hồ tiêu 2.140,8ha; cà phê 1.242,2ha; ca cao 120,2 ha và cây ăn quả các loại 2.585,8ha).
Hồi tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Chương trình hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 6 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 300 gian hàng trưng bày sản phẩm, quy trình, công nghệ tiêu biểu.
Ấn tượng và đặc sắc của sự kiện này là đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao vốn chưa từng là thế mạnh của tỉnh, như: Sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới... Điểm đặc biệt là phần lớn các sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí như: Chứng nhận chất lượng OCOP (mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mô hình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hệ thống mã số vùng sản xuất...
Hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp
Để có được kết quả này là nhờ trong hai năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã nỗ lực hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp...
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu, xu thế phát triển tất yếu, tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, phân bón, vận hành hệ thống VAHIS báo cáo trực tuyến cấp tỉnh về tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis)...
Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.997,8ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm; có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic...
Tỉnh đã phát triển nông nghiệp đạt thành quả nổi bật trên cả 3 trụ cột, đó là sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Các trụ cột ấy gắn liền với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tạo nên phương thức sản xuất tiêu thụ mới, hiện đại và thông minh, bảo đảm minh bạch về sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu, tăng khả năng gia nhập thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Minh chứng là tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp lần thứ 6 của tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP được sự đón nhận của người dân cũng như lượng hàng tiêu thụ đạt tỷ lệ cao.
Giờ đây, chuyển đổi số nông nghiệp Bình Phước đã không còn là phong trào mà các hoạt động gắn liền với cả hệ thống chính trị, bám sát cơ sở, lấy hiệu quả, mục tiêu đạt được của từng hộ gia đình, mô hình sản xuất để đánh giá. Đây là cơ sở để tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh vào năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ 20% trang trại, cơ sở sản xuất được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP được số hóa; thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện mô hình sản xuất cho một số HTX, đẩy mạnh đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...