Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những chính sách thu hút đầu tư của Bình Phước. Thủ tướng đề nghị Bình Phước đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để tạo thêm sức thu hút nhiều doanh nghiệp tiếp cận và quyết định đầu tư.
Thời gian qua, những nỗ lực của Bình Phước đã bước đầu đang mang lại hiệu quả, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế và bộ mặt đô thị đều thay đổi nhanh chóng. Các nhà đầu tư đã nhanh chóng nhận ra nền tảng vững chắc về hạ tầng và kinh tế của Bình Phước.
Đầu mối hưởng lợi trực tiếp về phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ logistics
Theo quan sát, 2022 được xem là năm Bình Phước sẽ tạo dấu ấn lớn về thu hút đầu tư, với rất nhiều dự án quy mô lớn của tỉnh và Trung ương có sự ảnh hưởng, tác động tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh. Đặc biệt, 2022 và các năm tiếp theo sẽ có các dự án giao thông đối ngoại với quy mô cực lớn, tầm cỡ quốc gia, có tính liên kết vùng và khu vực, đi qua tạo ra cơ hội lớn cho Bình Phước bứt phá đi lên.
Đó là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Phú Giáo - Đồng Xoài có chiều dài 68,7km, quy mô 10 làn xe. Các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua sẽ phối hợp đầu tư dự án với tổng vốn dự kiến khoảng 36.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án rất quan trọng trong hệ thống đường cao tốc Việt Nam đang phát triển. Dự án đang trong thời gian khảo sát, thiết kế và hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2022. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ kết nối trực tiếp Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, Bình Phước và Bình Dương sẽ là đầu mối hưởng lợi trực tiếp về phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ logistics.
Hiện nay, Bình Phước đang tích cực phối hợp các bộ, ngành hoàn tất thủ tục tham mưu Chính phủ phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng. Năm 2022, Bình Phước cũng sẽ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, với tổng vốn 1.450 tỷ đồng do Trung ương đầu tư.
Cũng trong năm nay, Bình Phước còn có các dự án với nguồn vốn đầu tư lớn, đó là dự án cơ sở hạ tầng định hướng phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khi hậu (dự án suối Rạt và đường phía Đông Nam quốc lộ 14), tổng vốn đầu tư của dự án được đề xuất là 4.559 tỷ 293 triệu đồng. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 3.471 tỷ 293 triệu đồng, vốn đối ứng 1.000 tỷ đồng và vốn viện trợ không hoàn lại 88 tỷ đồng. Dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo kế hoạch, năm 2022, dự án đường kết nối Đồng Xoài - Hớn Quản với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng cũng sẽ được khởi công xây dựng. Riêng tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh cũng đã bố trí vốn để khởi công dự án đường vành đai Suối Cam 1, Suối Cam 2 kết nối với quốc lộ 14...
Giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước xác định thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với những chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Bình Phước đã trở thành điểm đến và dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Bình Phước cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, đóng góp nguồn vốn rất quan trọng cho tăng trưởng. Trong xu thế hội nhập, dòng vốn FDI được xem là tác nhân quan trọng thúc đẩy tiến trình này.
Bình Phước hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Bình Phước đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2021, có 63 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Thu hút đầu tư trong nước được 120 dự án với tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng. Quý 1/2022, tỉnh đã thu hút 9 dự án FDI với số đăng ký 23 triệu USD. Có được kết quả này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. “Với nền tảng "4 tốt” hiện nay là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt”, Bình Phước luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Tỉnh luôn sát cánh và đồng hành với doanh nghiệp; lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trên quê hương Bình Phước” - bà Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Từ một tỉnh tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, hiện Bình Phước còn được biết đến với những sản phẩm có uy tín như sản phẩm may mặc, linh kiện điện tử, gỗ ván ép, gia công cơ khí… Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, thời gian tới, Bình Phước sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở chọn lọc dựa vào chất lượng, giá trị gia tăng cũng như công nghệ sử dụng của dự án, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phước Long