Dồn lực phát triển hạ tầng, xây các tuyến cao tốc
Ngày 20/3, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu địa phương này ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc chiến lược.
Giao thông Bình Phước ở vị trí kết nối giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Vì vậy, việc dồn lực xây các tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển mới, kết nối và góp phần giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông cho Tây Nguyên - một địa bàn khác cũng có tầm quan trọng chiến lược.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị liên quan việc triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần chủ động giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, làm việc với Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, nối Bình Phước và Đồng Nai.
Theo UBND Bình Phước, cầu Mã Đà sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60 km so với lộ trình hiện nay. Ngoài ra, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ cảng Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quốc lộ 51, đường tỉnh 767, đường tỉnh 761, đường tỉnh 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua nước bạn Campuchia ra vịnh Thái Lan thì trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Bình Phước sẽ thuận lợi rất nhiều trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Dự án xây dựng cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường đường tỉnh ĐT.753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III với tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách của tỉnh. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021. Theo quy hoạch mạng lưới giao thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9/2021, tuyến ĐT.753 sẽ được nâng cấp thành quốc lộ 13C đi từ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Tiềm năng công nghiệp trỗi dậy
Hạ tầng được quy hoạch và đầu tư mạnh là động lực cho các khu công nghiệp tại Bình Phước. Địa phương này hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Việc phát triển khu, cụm công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh Bình Phước. Cùng với làn sóng phát triển công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp của Bình Phước được xây dựng nhanh chóng với tỷ lệ lấp đầy cao, các sản phẩm công nghiệp của Bình Phước cũng tăng trưởng với quy mô lớn dần.
Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt. Dự kiến, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của Bình Phước khoảng 18.000 ha. Nếu thực hiện được sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.
Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cùng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, quỹ đất dành cho bất động sản công nghiệp bậc nhất Đông Nam Bộ, Bình Phước đang là ngôi sao mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là đòn bẩy đột phá kinh tế, tăng trưởng dân số cho địa phương, tạo nền tảng gia tăng giá trị bất động sản nhanh và bền vững.
Thu Hằng