Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo
Xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập) là xã đặc biệt khó khăn theo quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xã có 32,4% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện dân trí không đồng đều, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Xã Phú Văn xác định, việc triển khai xây dựng nông thôn mới phải gắn với công tác giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong xã, đặc biệt là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để góp phần xây dựng nông thôn mới.
Để hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống, MTTQ xã và các ban, ngành cùng các tổ chức đoàn thể đã tham mưu Cấp ủy, tổ chức phân công cho cán bộ, đảng viên đồng hành với các hộ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, khó khăn đột xuất không để tái nghèo; tăng cường hỗ trợ xây dựng nhà, mô hình sinh kế cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, đối tượng yếu thế. Đến nay, toàn xã đã xây mới 94 căn nhà, sửa 55 căn; 127 nhà vệ sinh; hỗ trợ 125 giếng nước; cấp 235 con giống; 135 nông cụ sản xuất; 7 xe máy; 119 ti vi; cấp đất ở cho 2 hộ... với tổng kinh phí 23,622 tỷ đồng.
Để giúp bà con phát triển kinh tế, xã đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình trồng cây ca cao xen dưới tán điều, mô hình sầu riêng, mô hình nuôi gà… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, chính quyền xã đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc như mở lớp truyền dạy cồng chiêng và lớp dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Son 2; hỗ trợ kinh phí sinh hoạt cho 5 câu lạc bộ văn hóa gồm: 3 CLB cồng chiêng, 1 CLB đờn ca tài tử, 1 CLB dân vũ, với tổng số tiền 52 triệu đồng.
Việc chăm sóc sức khoẻ cho bà con dân bản cũng được xã cùng các ban, ngành chú trọng. Thời gian qua, xã đã tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 2 nghìn lượt người DTTS; tổ chức tư vấn sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình, cách chăm sóc nuôi dạy con khỏe; tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho hơn 4.100 người.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan Lao động thương Binh và xã hội huyện, các đoàn kinh tế quốc phòng tổ chức các lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su cho gần 200 học viên, giải quyết việc làm cho 800 lao động.
Đến nay, tổng số hộ nghèo trong xã hàng năm đều giảm, đặc biệt là đối với người DTTS. Nếu như năm 2020, toàn xã có 216 hộ nghèo, 160 hộ cận nghèo DTTS thì đến giữa năm 2024 xã chỉ còn 72 hộ nghèo và 33 hộ cận nghèo, trong đó còn 33 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo là DTTS.
Tập trung khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Phú Văn đã tập trung khơi dậy sức dân, vận động nhân dân hưởng ứng và đóng góp hoàn thiện các tiêu chí trong nông thôn mới. Đồng thời, đa dạng hóa huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, như làm tốt công tác hòa giải, bảo đảm an ninh, an toàn, không để xảy ra tệ nạn xã hội ...; xây dựng các khu dân cư phát triển bền vững, nhân dân được thụ hưởng đầy đủ các giá trị vật chất và tinh thần trong điều kiện xã hội mới.
Xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư qua đó tập hợp, lắng nghe nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi giảm nghèo; phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư trật tự, kỷ cương, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trong thời gian qua, cùng với nguồn lực của Nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp tiền mặt, hiến 79.560 m2 đất và 1 số tài sản trên đất; góp 208 ngày công lao động với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã Phú Văn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Đến nay, đã có nhiều mô hình được triển khai từng bước có hiệu quả, giúp diện mạo xã Phú Văn ngày càng khởi sắc như các mô hình: Điện đường thắp sáng, đường hoa, xử lý rác thải, sọt rác hữu ích, tổ an ninh nhân dân… mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của xã.
Hàng năm, có 100% khu dân cư đăng ký “Khu dân cư văn hóa”; hộ gia đình đăng ký đạt từ 80% trở lên. Qua thực hiện đã có 10.694 hộ gia đình đăng kí gia đình văn hoá; 10.014 hộ đạt gia đình văn hoá đạt 93,6%. So với nhiệm kỳ trước tăng 2.080 hộ.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các ban, ngành đoàn thể xã luôn chủ động phối hợp, tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng quê hương, đẩy mạnh quyết tâm đưa xã về đích nông thôn mới trong năm 2024.