Bình Phước có 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống đoàn kết và đan xen trên địa bàn của 111 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố.
Bà con chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới. Trên địa bàn tỉnh có 58 xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có 05 xã và 25 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2023, toàn tỉnh có 2.830 hộ nghèo DTTS, chiếm 58,09% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân người DTTS điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 02 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, mỗi năm giảm từ 1.000 hộ trở lên.
Giải quyết đất ở cho 906 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 2.628 hộ (sửa nhà 756 hộ, xây mới 1.872 hộ); hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, sinh kế, giải quyết việc làm cho 5.017 hộ; đào tạo nghề cho khoảng 1.000 người.
Nhựa hóa, bê tông hoặc cứng hóa tối thiểu 50km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Xây dựng 05 công trình điện; xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 07 trường phổ thông dân tộc nội trú và 01 trường tiểu học vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 3.500 hộ…
Hỗ trợ cho khoảng 8.748 hộ được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo và thời hạn vay tối đa là 15 năm để mua đất ở, xây dựng nhà ở và phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ…