Thị xã Chơn Thành là một trong những địa phương được đánh giá về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có hiệu quả. Báo cáo về kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 của Sở Tư pháp tỉnh cho thấy, thị xã có 9/9 xã, phường đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 100%.
Có được kết quả này là do thời gian qua, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thị xã Chơn Thành luôn được Thị ủy, UBND thị xã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Xác định vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp nói chung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, đặc biệt là góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của thị xã.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, thị xã Chơn Thành tiếp tục phấn đấu duy trì, giữ vững tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, triển khai hiệu quả, nghiêm túc, thực chất, đầy đủ các nội dung đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thị xã; qua đó đảm bảo đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần vào quá trình thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã.
Ngoài thị xã Chơn Thành, năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng số 82 xã, 19 phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 91%. Trong đó, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, như thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và các huyện: Bù Gia Mập, Hớn Quản, Lộc Ninh, Đồng Phú, Phú Riềng.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” trong bộ tiêu chí về nông thôn mới, tháng 5/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Kế hoạch này nhằm tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao như: Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn; Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần xây dựng hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Nhất là nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp, phát huy vai trò của ngành tư pháp trong xây dựng nông thôn mới.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, năm 2023, toàn tỉnh có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,95/19 tiêu chí (bộ tiêu chí đạt chuẩn).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 3/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 73/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 21/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Trọng Trí, cho biết, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp nói chung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở và cùng toàn tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Hơn nữa, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.