Bình Thạnh Đông là xã thuần nông nằm ven sông Hậu của huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Mỗi năm, chính quyền và nhân dân xã đều dồn lực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng chất đời sống nhân dân. Với quyết tâm cao, qua 7 năm xây dựng nông thôn mới, Bình Thạnh Đông là một trong 03 xã của huyện Phú Tân phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

{keywords}
Bình Thạnh Đông đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới

Toàn xã có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 980ha, trong đó sản xuất lúa, nếp 780ha; còn lại là rau màu, cây ăn trái. Qua vận động, nhân dân đóng góp đê bao khép kín 3 vùng để canh tác từ 2 vụ tăng lên 3 vụ. Vùng kiểm soát lũ của xã Bình Thạnh Đông có diện tích khoảng 1.000ha, góp phần tăng thu nhập, ổn định phát triển kinh tế của nhân dân, từ đó bà con tham gia xã hội hóa các công trình ngày càng tích cực.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương kêu gọi người dân chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái. Trên địa bàn xã hiện đã chuyển 20ha cây trồng, chủ lực là bưởi da xanh, xoài các loại. Đặc biệt, đối với vùng Bình Tây 2 chuyên trồng cây ăn trái với diện tích 30ha được tỉnh hỗ trợ đầu tư hệ thống chống úng và tưới tiêu áp dụng công nghệ cao, từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển đổi phủ kín toàn diện tích. Đó là những đột phá để kinh tế của Bình Thạnh Đông vươn lên phát triển dài lâu trên nền tảng nông nghiệp.

Qua 08 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn xã đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí, 47/49 chỉ tiêu; Diện mạo nông thôn có trên 1.690 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 67,35%; 7 ấp và các cơ quan, trường học giữ vững ấp văn hóa, cơ quan văn hóa, trong đó ấp Bình Đông 2 được công nhận “Ấp văn hóa” 10 năm liền.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%; không còn nhà xiêu vẹo, dột nát, không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo.

Ngoài ra, xã còn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình đèn đường, hàng rào cây xanh và cột cờ; nhân dân địa phương đã đóng góp trên 1,8 tỷ đồng để nạo vét các kênh nội đồng, sửa chữa láng nhựa đoạn đường bong tróc, sụt lún…, góp phần để địa phương sớm hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Bài: Nguyễn Thị Lan Anh - nhóm PV
Ảnh: Ngô Cao Tùng - nhóm PV