Sáng 18/11, Thường trực Ban chỉ đạo Nghị định 48 và 67 tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm (2014- 2019) thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).
Bình Thuận: Hỗ trợ ngư dân nghèo đánh bắt xa bờ. Ảnh minh họa. |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, Bình Thuận đã vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc đưa chính sách đi vào cuộc sống, góp phần tích cực phát triển nghề cá Bình Thuận theo hướng vươn ra xa bờ và đầu tư hiện đại.
Từ năm 2014 đến đầu tháng 11/2019, tỉnh đã đóng mới hoàn thành và đi vào hoạt động 114 tàu cá với tổng công suất hơn 79.000 CV; trong đó, có 33 tàu dịch vụ thủy sản (30%) và 81 tàu cá khai thác xa bờ.
Đồng thời, nâng cấp, cải hoán hoàn thành 6 tàu cá. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai xây dựng hai khu neo đậu tàu cá tránh trú bão ở huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi để ngư dân tránh trú khi gặp thời tiết không thuận lợi.
Hiệu quả của chính sách Nghị định 67 mang lại cho ngành thủy sản đã rất rõ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều tàu cá đóng mới, cải hoán theo Nghị định 67 còn gặp nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến tình hình chậm trả nợ vay.
Ví dụ, chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu còn thiếu nhất quán về mức hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và mức bồi thường khi bị tổn thất khiến nhiều tàu cá phải tốn phí đóng bảo hiểm ngư lưới cụ nhưng trong quá trình đánh bắt bị hư hỏng thiệt hại ngư cụ chủ tàu không được bồi thường. Điều này đã làm tăng thêm đáng kể chi phí cho chủ tàu hàng năm… Thêm vào đó mức hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 vẫn chưa thể thực hiện được.
Tại Hội nghị các đại biểu đã đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có quy định, hướng dẫn thực hiện nhanh chóng việc chuyển đổi chủ đầu tư đối với chủ tàu để tàu cá nằm bờ không có khả năng hoạt động nhằm tránh tình trạng để tài sản đầu tư bị mất mát, xuống cấp làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển thủy sản của địa phương.
Đối với các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tình hình thời tiết ngư trường mùa vụ bất lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép được cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67.
Bài: Hồng Nhì - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Lụa - Nhóm PV