Năm 2023, Bình Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh".

Tới nay, Bình Thuận tiếp tục ban hành nhiều kế hoạch để hiện thực lộ trình "xanh hóa" du lịch, góp phần đạt mục tiêu đưa du lịch thành một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm du lịch của Bình Thuận ngày càng phong phú và chất lượng. Bên cạnh các sản phẩm thế mạnh về thể thao biển, nghỉ dưỡng biển, tỉnh cũng đang phát triển du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng: Hồ, thác, khu bảo tồn, du lịch cộng đồng…

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 8,1 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 20.886 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, tại hội thảo "Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững", ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, du lịch xanh đang trở thành xu hướng quan trọng, là cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Tỉnh thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế, chuyển đổi số nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng nhanh chóng với xu thế toàn cầu. 

W-cho hai san phan thiet.jpg
Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch "xanh"

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về "phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" đã xác định ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống;

Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.

Theo ông Nhân, hiện nhiều doanh nghiệp ở Bình Thuận đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nhiều khu nghỉ ở Phan Thiết sử dụng chai thủy tinh, túi vải dệt để thay thế chai nhựa, túi nilong. Các cơ sở, khu du lịch đã chuyển đổi nguồn nhiên liệu sử dụng sang nhiên liệu xanh như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời; hạn chế các chất đốt, sản sinh điện gây nguy hại đến môi trường và vận hành phát triển theo mô hình ESG (bộ tiêu chuẩn dùng đo mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng).

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương thừa nhận tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi xanh còn khá thấp, các mô hình du lịch xanh còn manh mún, chưa có nhiều đột phá. Nhận thức ứng xử về văn hóa, văn minh du lịch của một số người dân, du khách tham gia hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế.

Ngành du lịch tỉnh đang tích cực vận dụng các khái niệm xanh, mô hình xanh, hạ tầng xanh vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, lấy quy chuẩn Khu du lịch quốc gia Mũi Né để lan tỏa ra các khu du lịch khác nhằm kiểm soát việc đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở du lịch.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về du lịch xanh, du lịch bền vững, bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với văn hóa từng vùng miền để phát triển bền vững. Từ đó, người dân tại chỗ được hưởng lợi.