Cơn sốt tiền số tiếp tục gia tăng khi các nhân vật nổi tiếng trên thế giới lên tiếng ủng hộ, chẳng hạn tỷ phú Elon Musk hay nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey. Giá trị gia tăng đột biến của những loại tiền điện tử quen thuộc như Bitcoin, Ether và Dogecoin tỉ lệ thuận với mức độ quan tâm của các nhà đầu tư. Họ xem tiền số như một cơ hội đầu tư khả thi, một phần do khả năng giao dịch thuận tiện, bảo mật…
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng với nguy cơ. Do tính chất biến động mạnh, nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ lớn. Chẳng hạn, sau khi lập đỉnh vào tháng 11/2021 với thị giá trên 68.000 USD, Bitcoin hiện giao dịch quanh mức 38.000 USD. Căng thẳng Nga – Ukraine gần đây cho thấy một điều: chưa thể gọi Bitcoin là “hầm trú ẩn” an toàn, nơi bảo lưu giá trị trong thời kỳ bất ổn như vàng. Ether cũng giảm mạnh trong một năm qua, khiến không ít nhà đầu tư khóc ròng vì trót “đu đỉnh”.
Dù có nhiều lợi ích và câu chuyện hấp dẫn liên quan đến giao dịch tiền số, nhà đầu tư cũng không được quên tầm soát rủi ro. Tiền điện tử là gì, hoạt động như thế nào, vì sao chúng có giá trị và so với các khoản đầu tư truyền thống ra sao? Đây là những điều nhất định phải tìm hiểu trước khi gia nhập thị trường tiền số. Chỉ có như vậy, họ mới có thể đánh giá đúng mức lãi – lỗ tiềm năng của mình.
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử hay tiền số là một dạng tiền kỹ thuật số. Nó hoạt động trên một mạng phi tập trung, tồn tại ngoài sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương. Các giao dịch được thông qua mà không có bên trung gian đáng tin cậy.
Bitcoin là loại tiền điện tử phổ biến nhất và có giá trị lớn nhất. Nó không liên kết với bất kỳ thứ gì có giá trị nội tại và không hợp pháp tại hầu hết mọi quốc gia, trừ El Salvador. Do đó, Bitcoin chỉ có giá trị khi các cá nhân và doanh nghiệp chấp nhận nó để trao đổi lấy những thứ khác (chẳng hạn USD hay đồng rúp).
Do nguồn cung gần như cố định, giá trị Bitcoin có thể tăng lên theo thời gian nếu nhu cầu tăng, song cũng có khả năng giảm xuống 0 nếu cá nhân và tổ chức dừng chấp nhận đổi Bitcoin lấy hàng hóa, dịch vụ hay các hình thức tiền tệ khác.
Khi giao dịch trên mạng lưới Bitcoin, bên thanh toán gửi giao dịch đến mạng Bitcoin bằng ID cá nhân (khóa riêng). Hồ sơ giao dịch chỉ định số lượng Bitcoin cần chuyển, ID công khai của bên thanh toán, ID công khai của bên nhận và một số thông tin khác. Lịch sử của sổ cái sẽ xác minh bên thanh toán sở hữu số lượng Bitcoin được chỉ định và tất cả các khía cạnh của giao dịch đều tuân thủ quy tắc của Bitcoin.
Không cần pháp nhân nào đứng giữa người mua và ngời nhận trong giao dịch trên mạng lưới Bitcoin. Danh tính của cả hai là thông tin mật, rất khó để truy vết những bên tham gia. Điều này khiến nó thành phương thức thanh toán yêu thích của những kẻ làm ăn phi pháp. Tuy nhiên, nếu bên tham gia làm mất khóa riêng, họ không thể tiếp cận số Bitcoin mình đang nắm giữ và về cơ bản mất trắng tài sản.
Năm 2021, những kẻ tấn công mã độc tống tiền vào công ty Colonial Pipeline của Mỹ đã được thanh toán bằng Bitcoin. Dù vậy, nhà chức trách nhanh chóng khôi phục được một phần trong số này. Tuy chi tiết sự việc không được công bố, họ chỉ làm được như vậy nếu biết một hoặc nhiều khóa cá nhân, có thể thông qua theo dõi địa chỉ IP phát sinh giao dịch.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới đã nổi lên để giúp người dùng giao dịch theo cách quen thuộc hơn: một số cung cấp các “ví” chứa ID cá nhân, một số xác minh danh tính, một số cung cấp giao diện để người dùng giao dịch Bitcoin mà không cần biết quá nhiều về chi tiết. Hệ sinh thái lớn tới mức vài tổ chức sẵn sàng tham gia hoặc giới thiệu những sản phẩm liên quan tới tiền điện tử, chẳng hạn các quỹ đầu tư tiền điện tử. Một điều thú vị là ngày càng nhiều giao dịch Bitcoin diễn ra trên các sàn hơn là trên mạng của Bitcoin.
Tính hợp pháp của tiền điện tử phụ thuộc vào quốc gia nơi mở tài khoản. Ví dụ, Ấn Độ cho phép đầu tư vào tiền số, còn Trung Quốc thì không. Tòa án tối cao Trung Quốc ngày 24/2 tuyên bố các giao dịch tài sản ảo cấu thành tội danh “gây quỹ bất hợp pháp” và có thể bị truy tố hình sự.
Rủi ro của các nhà đầu tư
Rủi ro tiền điện tử khác nhau đối với từng bên tham gia, bao gồm tổ chức tài chính, phi tài chính, nhà đầu tư nói chung. Từ góc độ nhà đầu tư, nguy cơ lớn nhất là rủi ro đầu tư, đồng nghĩa với khả năng mất giá trị của bản thân đồng tiền số. Do không có giá trị cơ bản, tiền điện tử có thể mất hoàn toàn giá trị bất kỳ lúc nào.
Giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác mang tính đầu cơ, biến động mạnh vì là một loại tiền tệ và thị trường non trẻ. Không có gì lạ khi Bitcoin biến động dữ dội theo giờ hay thậm chí theo phút.
Rào cản khiến tiền điện tử không thể thay thế tiền tệ chính thức là chi phí thực hiện giao dịch tương đối cao. Vì thế, các bên tư nhân không có nhiều động lực để sử dụng tiền điện tử. Các nguyên tắc căn bản của tiền điện tử vẫn đang trong quá trình phát triển nên không hỗ trợ được nhiều.
Một cá nhân hay tổ chức sở hữu tiền điện tử trong danh mục đầu tư rõ ràng sẽ lỗ nếu tiền điện tử giảm giá. Đây là rủi ro thường thấy khi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào, tuy nhiên, do tính chất mới mẻ, việc đánh giá rủi ro của tiền điện tử thường không chính xác và khó hơn so với tài sản thông thường. Bên cạnh đó, tính toán khoản lãi kỳ vọng cũng không dễ dàng, dẫn đến khó đánh giá mức lãi – lỗ. Hoạt động trong quá khứ không nhất thiết là chỉ báo đáng tin cậy trong tương lai.
Quyền nắm giữ tiền điện tử cũng không được bảo vệ trước pháp luật, do đó, một nhà đầu tư không có quyền truy đòi nếu tiền điện tử của họ bị mất hay thất lạc. Tương tự, một nhà đầu tư không có quyền truy đòi pháp lý nếu giao dịch hoàn thành theo các điều khoản khác với điều khoản họ đã đồng ý.
Đối với những người xem Bitcoin là “nơi trú ẩn” an toàn, họ sẽ phải suy nghĩ lại. Nếu hệ thống tiền tệ và tài chính truyền thống suy giảm, chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ phản ứng bằng cách lưu trữ các tài sản hữu hình như vàng để thay thế, không phải tiền điện tử như Bitcoin. Nếu mọi thứ “sập” hoàn toàn và kéo theo lưới điện hay toàn bộ Internet, họ sẽ lấy Bitcoin bằng cách nào?
Việc đánh thuế tiền số cũng khác biệt tại từng quốc gia. Dữ liệu nghèo nàn về tiền điện tử gây phức tạp khi muốn tối ưu hóa các khoản đầu tư. Nhìn chung, một nhà đầu tư luôn phải thận trọng trước những rủi ro có thể ảnh hưởng đến danh mục tài sản của họ và tìm ra những cách để quản lý rủi ro. Khi bước chân vào thế giới tiền điện tử phi tập trung và không được quản lý, bạn chỉ có một mình. Nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tốt hơn hết nên hiểu rõ sẽ được gì và mất gì.
Du Lam
Bitcoin có nguy cơ thủng đáy sâu hơn
Các đồng tiền số lớn như Bitcoin, Ether đứng trước nguy cơ thủng đáy một lần nữa sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh quan điểm ‘diều hâu’ của mình.