Khi lần đầu tiên ra mắt khán giả vào mùa hè năm 1982, Blade Runner hoàn toàn bị đánh bại ở phòng vé bởi đối thủ nặng ký E.T. (Extra-Terrestial) của đạo diễn Steven Spielberg, và đối mặt với nguy cơ trôi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, 35 năm sau đó, “đứa con thầm lặng” của Ridley Scott trong lòng phần đông khán giả lại được coi là một trong số những tác phẩm viễn tưởng có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với nền điện ảnh hiện đại.
1. Một khởi đầu đầy mạo hiểm
Chuyển thể bởi Ridley Scott từ những trang sách “Do Androids Dream of Electric Sheep?” (Liệu Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện?) của tác giả Philip K. Dick, kể câu chuyện về một viên cảnh sát có nhiệm vụ “khai tử” các người máy với hình dạng giống người đến mức khó phân biệt, có thể dễ thấy vì sao Blade Runner kén người xem đến vậy.
Vào thời điểm ra mắt của phim, tầm nhìn của Ridley Scott dường như quá liều lĩnh đối với phần đông khán giả thời đó khi miêu tả một thế giới tương lai giả tưởng cực kỳ chi tiết với phần hình ảnh đầy sự táo bạo. Không những vậy, ở đây còn có một sự mơ hồ nhất định trong việc xây dựng câu chuyện và các nhân vật.
Đây cũng chính là lý do mà phim phải chịu sự can thiệp một cách thô bạo từ phía nhà sản xuất, bị cắt ghép nhiều, thậm chí nhặt nhạnh cả cảnh trong phim The Shining (1980 – Stanley Kubrick) để phục vụ cho một cái kết “có hậu” nhàm chán.
Nhưng chính điều này lại cho Ridley Scott có cơ hội “chuộc” lại lỗi lầm của hãng phim, khi lần đầu tiên đưa khái niệm “Director’s Cut” mà chúng ta vốn đã quá quen thuộc ngày nay vào sử dụng.
Một bản phim gốc chưa qua chỉnh sửa của ông đã được phát hành lại qua đường băng đĩa chính thức, nhưng cũng chưa thực sự thỏa mãn đối với vị đạo diễn khó tính này. Trong suốt 20 năm tiếp theo đó, ông đã liên tục sửa chữa, bổ sung, và phát hành hàng loạt các bản “vá lỗi” khác nhau cho bộ phim này. Đây có lẽ chính là niềm cảm hứng bất tận cho George Lucas và hàng chục lần thay đổi Star Wars cho tới khi không còn nhận ra nổi bản gốc.
2. Đặt nền móng cho dòng phim khoa học viễn tưởng
Vậy Blade Runner “bản chuẩn” có gì mà khiến cộng đồng yêu điện ảnh phải ca ngợi hết lời trong suốt ngần ấy năm như vậy?
Nếu quên đi giọng kể chuyện vô hồn của Harrison Ford trong bản chiếu rạp và những chắp vá ngớ ngẩn của nhà sản xuất, thì phần hình ảnh của phim chính là điều đầu tiên làm nên tên tuổi của Blade Runner.
Bộ phim đã đặt nền móng cho phong cách hình ảnh đặc trưng trong dòng phim khoa học viễn tưởng với bối cảnh tương lai mang nhiều tính “hiện thực”, và có chút gì đó “hoài cổ”. Ridley Scott đã xây dựng nên một thế giới ngập tràn những tòa nhà cao ốc khuất tầm mắt, ánh đèn neon chói chang từ các biển hiệu quảng cáo khổng lồ, nhưng lại được chồng chéo lên những tòa nhà cổ xập xệ trong những khu ổ chuột nhớp nháp nghèo túng, sặc sụa khói bụi của ô nhiễm, và những đường ống lộ thiên chi chít. Thế giới của Blade Runner nghiệt ngã và tối tăm, nhưng cũng hết sức “khả thi” trong thực tế.
Không chỉ đơn giản là tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ kỹ xảo hình ảnh đã từng được những Star Wars hay Alien tiên phong từ trước đó, Blade Runner có tầm cỡ rộng lớn hơn nhiều, khắc họa nên một thế giới “gần gũi” và trần trụi hơn với hiện thực vào thời điểm đó.
Đâu đấy trong những tác phẩm của lớp đạo diễn “hậu thế”, người ta có thể nhìn thấy tinh thần của Blade Runner ẩn hiện như The Matrix (1999), Dark City (1999), The Fifth Element (1997), hay thậm chí là Ghost in the Shell (1995) đến từ Nhật Bản. Những đô thị sầm uất, lớp chen lớp, với những chiếc ô tô bay lượn ngợp trời giống như Back to the Future (1985) hay kể cả là 3 phần prequel của Star Wars cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ridley Scott.
3. Còn nhiều nữa những giá trị nhân bản
Tuy nhiên, giá trị của Blade Runner không chỉ nằm trên một lớp bề mặt hào nhoáng và lạ lẫm, mà còn ở việc tạo điều kiện cho những câu chuyện viễn tưởng có tính hàn lâm và triết học khác có cơ hội được ra đời với tầm cỡ ngang ngửa dạng như Minority Report (2002), Total Recall (1990), hay như Inception (2010) của Christopher Nolan.
Cũng giống như Blade Runner, hầu hết những câu chuyện này đều lấy cốt lõi từ sự “hoang mang” của loài người trước tốc độ phát triển quá chóng mặt của công nghệ tiên tiến. Đó là nỗi sợ hãi về một viễn cảnh tối tăm khi những sai lầm về “con người” sẽ dẫn đến những thảm họa khôn lường từ máy móc.
Đây là tư tưởng vốn đã từng được khai thác từ “buổi bình minh” của dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng từ đầu thế kỷ 20, tiêu biểu như tác giả Isaac Asimov với tác phẩm kinh điển I, Robot. Nhưng chỉ đến khi công nghệ thông tin trong thế giới thực đuổi kịp trí tưởng tượng của các nhà làm phim, những tác phẩm kiểu như Blade Runner, hay sau này là Terminator (1984), Matrix (1999), Ex Machina (2014) mới có cơ hội khai thác sâu hơn đề tài này, với những thay đổi nhất định phù hợp với hiện thực phát triển của cuộc sống.
Di sản mà Blade Runner để lại cho lịch sử điện ảnh là hết sức khó đong đếm, và nó sẽ còn tiếp tục len lỏi ngày càng sâu hơn vào những ngóc ngách không tưởng khác của nghệ thuật đại chúng; ngoài điện ảnh như truyện tranh, trò chơi điện tử,...
Ở thời điểm hiện tại, Blade Runner 2049 đang liên tục nhận được những tán dương bất ngờ từ phía các nhà phê bình và nhà báo, khiến cho người ta tiếp tục kỳ vọng vào một sự kế thừa xứng đáng. Nếu như chứng tỏ được giá trị của mình, tầm ảnh hưởng của tượng đài điện ảnh này sẽ còn trải dài tới những tương lai xa hơn thế.
Theo GameK