Vì sao Rakuten, một công ty kiếm được gần 4 tỷ USD/năm từ các mảng bán lẻ trên mạng, lại muốn xâm nhập thị trường nhắn tin và gọi điện miễn phí với số tiền không hề nhỏ, gần 1 tỷ USD? Có thể thấy, ứng dụng nhắn tin như Viber ngày càng phổ biến và trở nên quan trọng tại châu Á, chúng bổ sung nhiều tính năng của các mạng xã hội đối thủ để thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng smartphone. Xu hướng này vẫn chưa thể hiện rõ nét tại châu Âu hay Mỹ, song có nhiều bằng chứng cho thấy người dùng không chỉ muốn các tính năng nhắn tin cơ bản.

Line, ứng dụng từ Nhật Bản, đang có 350 triệu người dùng toàn thế giới. Công ty thu về 318 triệu USD doanh thu năm 2013 với 60% đến từ mua sắm trong ứng dụng. Thu nhập quý IV/2013 của Line tăng tới 450% so với cùng kỳ năm trước. Line còn thử nghiệm các loại hình thu nhập mới như thương mại điện tử, flash sale (hình thức bán hàng trong đó một lượng hàng hóa nhất định được bán ra trong thời gian cố định với khuyến mại lớn) hay tin “giật gân”.

Ngoài game, sticker (hình vẽ vui nhộn) và các mặt hàng khác, Line còn có nền tảng tiếp thị cho phép người dùng lựa chọn nhận thông tin và cập nhất từ những doanh nghiệp toàn cầu như McDonald, tất nhiên, doanh ngiheepj phải trả phí cho Line với nhiều gói khác nhau.

Trong ngắn hạn, ứng dụng nhắn tin miễn phí mới chạm được vào bề nổi những gì chúng có thể cung cấp trên di động. Bất kỳ công ty nào làm về Internet đều nên để mắt đến thị trường này, đặc biệt nếu nó nằm tại châu Á. Rakuten hoàn toàn hiểu điều đó, do vậy thay vì mua lại một website bán lẻ trực tuyến tiềm năng như Buy.com hay Play.com, hãng lại tập trung vào thúc đẩy thương hiệu ra thị trường quốc tế. Không chỉ mua phần cứng (hãng sản xuất máy đọc sách Kobo), nội dung (Viki và Wuaki), giờ đây Rakuten còn có trong tay Viber để thực hiện tham vọng của mình.

Vì sao Rakuten mua Viber?

Viber là ứng dụng nhắn tin có quy mô lớn nhất và là đối tượng có khả năng bán mình cao nhất hiện nay. Ví dụ, WeChat hiện có 270 triệu người dùng song lại thuộc sở hữu của “ông lớn” Trung Quốc Tencent; WhatsApp chỉ thua kém Facebook về tầm với quốc tế, nền tảng này hoặc quá đắt hoặc không muốn bán cho một công ty chưa “nổi” trên phạm vi thế giới; Line được cho là chuẩn bị “lên sàn”, đã có mô hình kinh doanh vững chắc và nhiều tham vọng; KakaoTalk của Hàn Quốc có 150 triệu người dùng, nếu bán cũng tốn hàng tỷ USD. Trong khi đó, Viber vẫn đang trong buổi đầu kiếm tiền dù có tới 280 triệu người dùng.

Rakuten muốn làm gì với Viber?

Công ty Nhật Bản còn nhiều việc phải làm nếu muốn “gò” Viber theo khuôn của Line. Dịch vụ Viber dựa chủ yếu vào cuộc gọi thoại và được giữ đơn giản hết mức có thể, nó chưa có được cơ chế phức tạp như đối thủ châu Á, bao gồm thanh toán, thương mại điện tử, game, tiếp thị… Viber kiếm tiền từ bán sticker và cuộc gọi quốc tế tương tự Skype, cả hai đều mới được giới thiệu gần đây.

Theo thông tin từ Rakuten, Viber chỉ kiếm được 1,5 triệu USD doanh thu năm 2013, quá nhỏ so với Line và WeChat hay thậm chí là WhatsApp với mô hình tính phí sử dụng 1 USD/người dùng/năm. Tổng kết, Viber lỗ ròng 29,5 triệu USD và 14,7 triệu USD lần lượt vào năm 2013 và 2012.

Dù vậy, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Rakuten Hiroshi Mikitani tin tưởng Viber sở hữu “tiềm năng khủng khiếp như một nền tảng game”. Trong phỏng vấn mới nhất với trang tin Re/code, ông vạch ra kế hoạch sử dụng tài sản mới: dựa trên hiểu biết của Viber về những gì người dùng thực sự muốn gắn bó, Rakuten mang kiến thức sâu rộng về người dùng để khai thác lứa khán giả mới thông qua hệ sinh thái dịch vụ Internet.

Chiến lược không hề rẻ hay dễ thực hiện. Công ty mẹ của Line được cho là đã đầu tư tới 200 triệu USD/năm cho “con đẻ” của mình để có chỗ đứng trên khắp thế giới cũng như thu hút lập trình viên game hay các công ty khác. Line khởi đầu năm 2013 với 100 triệu người dùng đăng ký và kết thúc năm với hơn 300 triệu người dùng. Năm 2014, hãng đặt mục tiêu 500 triệu người dùng trong khi không tiết lộ chính xác số người dùng hoạt động, đây là số liệu quan trọng vì nó thay đổi cách các công ty tương tác với khách hàng. Đó là lý do vì sao Rakuten tham gia cuộc chơi nhắn tin với Viber bằng cái giá không hề nhỏ.