Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra chiều 4/9 thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về phương thức quản lý cư trú mới. 

Đề nghị giữ hộ khẩu giấy đến 2022

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết khi thảo luận, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới bằng số hóa thay vì bằng sổ hộ khẩu giấy.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/7/2021 không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan vận hành ngay được trên thực tế.

{keywords}
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021 như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong Luật cần có quy định chuyển tiếp phù hợp, để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.

Hiện vẫn còn hai loại ý kiến về nội dung này. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết năm 2022 (ở lần thảo luận trước là kéo dài đến năm 2025)

Trong khoảng thời gian này, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp. Cụ thể, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021.

Phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử. 

Để thực hiện việc này, 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Lo nóng vội gây phiền hà cho dân

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung (Điện Biên) đồng ý với phương án quy định chuyển tiếp và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Còn thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký về cư trú sẽ không cấp mới lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung

Quy định chuyển tiếp như vậy để tạo thuận tiện cho người dân. Mặt khác, việc duy trì sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến phương thức quản lý mới mà chỉ “đồng hành trong một thời gian nhất định”. 

“Theo luật Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lẽ ra phải đưa vào vận hành từ 1/1/2020, thế nhưng đến hôm qua Thủ tướng mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thẻ căn cước công dân gắn chip. Thẻ căn cước công dân được cấp trước đây cũng không khác gì CMND cả. Thẻ đó không gắn chíp điện tử thì không thể nào đưa vào kết nối được”, ĐB tỉnh Điện Biên băn khoăn.

Bà Dung dẫn kết quả khảo sát tại TP.HCM cho thấy năm học vừa qua tăng thêm gần 55 nghìn học sinh, tuyển dụng gần 7.000 giáo viên. Nếu 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện thì kết nối thế nào, khi thời gian không còn nhiều nữa.

"Chỉ ngần ấy học sinh cần đến sự xác nhận về hộ khẩu thì chúng ta cấp như thế nào?”, đại biểu cho rằng cần lường đến tất cả mọi vấn đề để làm sao người dân được thực hiện một cách thuận lợi nhất.

“Tôi nói với tất cả mong mỏi của mình để làm sao dự thảo luật khả thi nhất, đặc biệt là làm sao cho tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cũng cảnh báo, nếu “nóng vội” sẽ gây phiền hà cho người dân.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị chỉ để một phương án tại dự thảo Luật như nội dung Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Thứ trưởng Công an cho biết, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định ngày 11/3/2020; trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.

Bộ Công an đã có kế hoạch triển khai dự án, quy định rất cụ thể về thời gian từng việc, kể cả những việc phối, kết hợp với các bộ, ngành liên quan để đồng bộ, có hiệu lực từ 1/7/2021. Ngày 3/9, Thủ tướng đã phê duyệt đầu tư đối với dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

“Dù chậm hơn kế hoạch 6 tháng nhưng các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ sắp xếp đồng bộ với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có sự chia sẻ, tiếp nhận thông tin của nhau, tiến tới gộp thành một trung tâm dữ liệu dùng chung. Chúng tôi bảo đảm sẽ thực hiện được theo đề xuất là từ 1/7/2021, nếu Luật này được Quốc hội thông qua”, Thứ trưởng Công an cam kết.

Thu Hằng

Chủ tịch Quốc hội: Chắc chỉ còn mỗi Việt Nam dùng hộ khẩu giấy

Chủ tịch Quốc hội: Chắc chỉ còn mỗi Việt Nam dùng hộ khẩu giấy

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại sổ hộ khẩu. Thế giới đã có thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân.