Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết hoạt động tín dụng đen hiện nay không chỉ đóng khung trong biên giới mà liên quan đến yếu tố bên ngoài, liên quan đến các nước khác. Bộ đang mở các chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cũng thông tin số liệu thống kê chưa đầy đủ trong 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen.

Trong số này có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng huy động vốn với số lượng hàng nghìn tỷ đồng gây vỡ nợ dây chuyền.

Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự cả nước rà soát làm rõ 210 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng giống như các đường dây bị bóc dỡ ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đắk Lắk…

“Hoạt động tín dụng đen gần đây hoạt động hết sức phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến vùng cao, đồng bào dân tộc. Nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính”, người phát ngôn Bộ Công an nói.

Thiếu tướng Lương Tam Quang cũng chỉ rõ cách để nhận diện các hoạt động tín dụng đen là cho vay, đi vay, huy động vốn vượt lãi suất quy định dẫn đến vỡ nợ…

Loại tội phạm này còn biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng với lãi suất rất cao làm mồi nhử những người dân không hiểu về pháp luật. Các cơ sở cá nhân thường huy động vốn như chơi hụi, họ, đa cấp… bất hợp pháp.

Theo ông Quang, để chào mời người vay, một số nhóm tín dụng đen sử dụng mạng xã hội, ứng dụng di động lôi kéo khách hàng, sau đó cho vay trực tuyến.

{keywords}
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an

Nhiều người do hám lợi nên mượn tiền của người thân, các nhóm tín dụng đen để cho vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Khi con nợ mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn, người trung gian bị các nhóm tín dụng đen siết nợ.

Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Văn Viện cũng cho hay, TP đang tập trung điều tra rà soát làm rõ nhiều ổ nhóm, đường dây tín dụng đen. Vừa qua, TP đã giải quyết một số điểm nóng, đến nay đang tiếp tục rà soát các điểm kinh doanh cầm đồ cho vay nặng lãi, siết nợ.

Tín dụng đen ở nông thôn: Hơn 1.000 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 mới đây, Bộ Công an cho biết đang nắm số liệu trên giấy tờ về quy mô tín dụng đen ở nông thôn là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nhưng thực chất thì nhiều hơn với các hình thức hụi, họ.

Bộ Công an đang tích cực triệt phá, xử lý các hình thức cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để xử lý hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã nêu rõ “có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen”.

Ông yêu cầu, với các công cụ tài chính và pháp chế như hiện nay, ngành ngân hàng và các bộ, ngành liên quan cần chiếm lĩnh trận địa, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.

Bi kịch tín dụng đen bủa vây gia đình 2 thế hệ làm công an

Bi kịch tín dụng đen bủa vây gia đình 2 thế hệ làm công an

Bi kịch rơi xuống gia đình có 2 thế hệ công tác trong ngành công an, người con phải bỏ ngành để cứu vớt danh dự.

Phương Nguyên