Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để thực hiện các giao dịch rút tiền, chuyển tiền tại cây ATM của 2 ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh.

Trước những băn khoăn của người dân về tính bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ gắn chip để giao dịch tiền mặt, trung tá Nguyễn Thành Vĩnh (Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục C06) có cuộc trao đổi với Zing.

Không bị lộ lọt, theo dõi thông tin cá nhân

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết những ngày qua, nhiều người dân có tài khoản tại 2 ngân hàng đã sử dụng CCCD để rút tiền mặt thay vì dùng thẻ ATM truyền thống.

Sau khi thí điểm, Bộ Công an và các đơn vị liên quan sẽ đánh giá, rà soát toàn bộ quy trình để vi chỉnh trước triển khai rộng rãi ở nhiều ngân hàng và địa phương khác.

Rut tien bang can cuoc anh 1

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh khẳng định việc rút tiền bằng CCCD gắn chip không bị lộ lọt thông tin cá nhân. Ảnh: Xuân Huy.

Theo trung tá Vĩnh, người dân sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền phải trải qua 10 bước. Thẻ ATM sử dụng nhiều phương thức bảo mật, trong đó chủ tài khoản phải sử dụng mật khẩu do ngân hàng cấp để giao dịch tiền mặt.

"Dùng căn cước gắn chip để rút tiền cũng trải qua các bước như sử dụng thẻ ATM, tuy nhiên, chủ tài khoản sẽ xác thực thêm khuôn mặt, vân tay. Như vậy, mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần", trung tá Vĩnh nhấn mạnh.

Theo ông, chủ tài khoản khi bị mất thẻ ATM thường đối diện nguy cơ cao bị đánh cắp tiền trong ngân hàng do lộ lọt mật khẩu. Khi đánh cắp được thẻ, kẻ gian còn hoàn toàn có thể lấy được tiền nếu nhập đúng mật khẩu.

Tuy nhiên, với việc sử dụng CCCD gắn chip để rút tiền từ ngân hàng, nếu ai đó đánh cắp được CCCD của người dân cũng không thể sử dụng khi rút tiền. Thậm chí, khi thiết bị phát hiện dữ liệu sai sẽ hủy giao dịch.

"Thông tin trên chip phải được đối sánh, đảm bảo trùng khớp thông tin của chủ thẻ trong dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, người sử dụng CCCD phải trùng khớp khuôn mặt, vân tay với chủ tài khoản thì mới lấy được tiền", Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư khẳng định.

Ngoài ra, chip điện tử trên CCCD tích hợp sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả dữ liệu đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.

Riêng trong giao dịch ngân hàng, thiết bị đọc chip CCCD không lưu giữ thông tin của công dân. Như vậy, việc rút tiền sẽ đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không bị thất thoát.

"Dữ liệu của mình là do người dân quyết định, người dân có quyền cho phép hoặc từ chối khi ngân hàng sử dụng thông tin CCCD để giao dịch hay không", ông Vĩnh nói và khẳng định điều này giúp tránh nguy cơ lộ lọt dữ liệu hoặc bị bên thứ 3 kiểm soát, theo dõi thông tin cá nhân.

Dùng "dữ liệu sống" để rút tiền

Đối với người có nhiều tài khoản nhà băng, trung tá Nguyễn Thành Vĩnh phân tích việc dùng thẻ CCCD nhằm tăng thêm một bước bảo mật. Còn các ngân hàng vẫn sử dụng những quy tắc, quy trình rút tiền như trước.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ liên thông với nhau để đảm bảo các tài khoản được liên kết với một thẻ CCCD.

"Người dân có thể dùng CCCD để rút tiền ở bất kỳ ngân hàng nào nếu họ đã đăng ký mở tài khoản bằng CCCD gắn chip ở ngân hàng đó", trung tá Vĩnh giải thích.

Rut tien bang can cuoc anh 2

Chủ thẻ có thể giao dịch bằng CCCD ở bất kỳ ngân hàng nào nếu đã đăng ký tài khoản đó bằng thẻ gắn chip. Ảnh: Xuân Huy.

Dẫn chứng thêm về trường hợp công dân có nhiều tài khoản ngân hàng nhưng chỉ sử dụng một thẻ gắn chip, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư lý giải nếu các tài khoản đó đã được đăng ký bằng CCCD thì người dân có thể dùng thẻ gắn chip đó để rút tiền ở bất kỳ cây ATM nào.

Còn trường hợp công dân chỉ đăng ký CCCD để mở tài khoản tại ngân hàng A mà muốn đến ngân hàng B để rút tiền thì không thể thực hiện giao dịch.

Về quy trình giao dịch, vị trung tá cho hay người dân rút tiền bằng CCCD phải đặt mặt sau của thẻ (nơi tích hợp chip bảo mật) lên "mắt đọc" tại cây ATM. Sau đó, thiết bị này thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân rồi đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip.

Cuối cùng, nếu 2 trường dữ liệu trùng khớp thì người dân thực hiện các thao tác như sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền.

"Dữ liệu trên CCCD là dữ liệu sống của công dân nên không dễ bị làm giả như thẻ ATM truyền thống", ông Vĩnh nhấn mạnh và đặt giả thiết nếu kẻ gian dùng CCCD không phải chính chủ, đứng ở cây ATM để đánh cắp tiền cũng không thể đạt được mục đích nếu khuôn mặt, vân tay không trùng khớp.

Trải nghiệm rút tiền bằng CCCD gắn chip

Sau khi quét chip trên thẻ căn cước, hệ thống ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản xác thực vân tay, khuôn mặt trước khi giao dịch rút tiền.

 

(Theo Zing)

Những điều cần lưu ý khi dùng CCCD gắn chip rút tiền tại ATM

Những điều cần lưu ý khi dùng CCCD gắn chip rút tiền tại ATM

Hiện tại, rút tiền tại máy ATM bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương với một số ngân hàng. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý những điều sau đây khi dùng CCCD rút tiền tại ATM.