Theo các quy tắc của FTA có nhiều cách để xác định xuất xứ cho các mặt hàng. (Ảnh minh họa) |
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào là hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website xin ý kiến rộng rãi các hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, trong thương mại quốc tế, ở mức cơ bản, các nước chủ yếu áp dụng thuế nhập khẩu tối huệ quốc cho hàng hóa của nhau (thuế MFN - ở Việt Nam được gọi là thuế ưu đãi). Cam kết về thuế của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chính là cam kết về mức thuế MFN này, được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử. Để thúc đẩy thương mại, WTO cho phép các thành viên được giảm thêm, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho hàng hóa của nhau theo thỏa thuận song phương hoặc nhiều bên, miễn là đáp ứng một số tiêu chí do WTO quy định. Vì thế mới ra đời các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại đặt ra yêu cầu xác định tỉ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa. Trong khi đó, quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước của Việt Nam dù mang tính bắt buộc nhưng để cho doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ.
Khi đã giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho nhau trong FTA, các bên đều có nhu cầu chính đáng là ưu đãi đó phải được dành cho đúng người, đúng sản phẩm. Vì vậy, các bên tham gia FTA bao giờ cũng thỏa thuận với nhau một bộ quy tắc giúp xác định xuất xứ sản phẩm, tức bộ quy tắc xuất xứ. Có rất nhiều quy tắc hay phương pháp để xác định xuất xứ cho các mặt hàng.
Về các phương pháp xác định xuất xứ, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, phương pháp phổ biến nhất là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm, tức là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, thí dụ Việt Nam, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu; nếu khu vực là ASEAN thì xem phần giá trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN.
Nếu các nước tham gia FTA thống nhất quy định giá trị khu vực - RVC là 30% thì một sản phẩm sẽ được coi là sản phẩm của Việt Nam (hoặc của ASEAN) nếu giá trị tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam (hoặc ASEAN) bằng hoặc lớn hơn 30%. Mức RVC này có thể khác nhau theo mặt hàng, tùy theo thỏa thuận giữa các bên.
Thí dụ, trong Hiệp định TPP trước đây, RVC áp dụng cho mặt hàng ôtô có thể lên tới 55%. Một trường hợp cực đoan của RVC là “sản xuất toàn bộ”, tương đương RVC 100%, thường được áp dụng cho nông sản tươi sống, thí dụ như thủy sản, hoa quả.
Phương pháp phổ biến tiếp theo là sử dụng Biểu HS (Biểu phân loại hàng hóa trong thương mại quốc tế) để xác định xuất xứ. Biểu này được xây dựng theo chương (HS 2 số), chương chia ra thành các đầu mục (HS 4 số), đầu mục chia tiếp thành các tiểu mục (HS 6 số).
Một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam nếu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đấy được phân loại vào chương này trong khi sản phẩm cuối cùng lại được phân vào một chương khác. Kiểu xác định xuất xứ này được gọi là “chuyển đổi chương” (CTC), là kiểu khó nhất.
Các quy tắc dễ hơn là “chuyển đổi đầu mục” (CTH) và “chuyển đổi tiểu mục” (CTSH). Khi sử dụng CTC, CTH hoặc CTSH, người ta sẽ không quan tâm tới hàm lượng giá trị RVC nữa.
Ngoài hai phương pháp cơ bản trên, còn một số phương pháp khác, áp dụng cho một số sản phẩm đặc thù, thí dụ sử dụng quy trình của phản ứng hóa học với sản phẩm làm ra cần phản ứng hóa học như rượu; hoặc quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng cho sản phẩm dệt may...
Cũng theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, với các nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa nêu trên, nếu đáp ứng quy tắc khác cho những sản phẩm cụ thể, theo thỏa thuận giữa các bên, một sản phẩm dù không đạt hàm lượng RVC 30% vẫn có thể được coi là “Made in Vietnam”.
Ví dụ, một chiếc tivi có thể không đạt RVC 30%, nhưng nếu người ta chấp nhận áp dụng quy tắc CTSH cho nó và nó thỏa mãn CTSH thì chiếc tivi đó, khi xuất khẩu sang bên có tham gia FTA, vẫn được quyền khai báo là “Made in Vietnam” và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ “Made in Vietnam”.
"Đó là với các sản phẩm xuất khẩu, còn các quy tắc xuất xứ áp dụng cho sản phẩm tiêu thụ nội địa là quy định nội bộ chung của mỗi quốc gia, các thỏa thuận thương mại quốc tế không điều chỉnh việc này", nguồn tin từ Bộ Công thương lưu ý.