Không thể quản lý Uber vì không có cơ chế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng vừa ký văn bản báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội về hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Trong đó, nêu rõ hiện trạng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể hoạt động thương mại điện tử trên mạng viễn thông di động nói chung và mô hình sàn thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động nói riêng. Do vậy, chưa có công cụ, cơ chế để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự trên nền tảng thiết bị di động.

Trong năm 2015, Bộ Công Thương có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng một văn bản hướng dẫn Nghị định 52/2013/NĐ-CP về nội dung hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Tuy nhiên, Nghị định 52 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định điều chỉnh đối tượng nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới không có hiện diện tại Việt Nam (Uber hay các nhà cung cấp dịch vụ tương tự không thành lập hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn triển khai được dịch vụ qua mạng và các ứng dụng công nghệ mới), chỉ điều chỉnh những đối tượng gồm: thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

Uber

Để quản lý một cách toàn diện và hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự, đòi hỏi phải có tư duy quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Bộ Giao thông Vận tải đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương. Điều này sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh thực tiễn kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu công nghệ mới.

“Điểm mặt” rủi ro tiềm ẩn

Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động cung cấp dịch vụ của Uber, liên quan tới lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Cụ thể, về thuế, Uber và các công ty với mô hình hoạt động tương tự hoàn toàn có thể triển khai cung cấp dịch vụ mà không có hiện diện tại Việt Nam. Mô hình phân chia thu nhập giữa Uber và các đơn vị kinh doanh vận tải đối tác cũng đặt ra nhiều thách thức về vấn đề quản lý thuế, đòi hỏi phải có các biện pháp giám sát phù hợp từ cơ quan thuế để đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước và duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác.

Về thanh toán và quản lý luồng tiền, việc thanh toán bằng thẻ của Uber không theo quy trình thông thường mà người dùng sẽ cung cấp số thẻ của mình khi đăng ký mở tài khoản tự động trên hệ thống Uber, sau đó, mỗi lần sử dụng dịch vụ, khoản cước phí sẽ được tự động ghi nợ vào tài khoản thẻ đã khai báo mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ để ghi nhận giao dịch thanh toán đã thực hiện. Quy trình thanh toán này tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, đồng thời đặt ra thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc quản lý giao dịch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như vậy. Đồng thời, đưa ra biện pháp quản lý phù hợp để theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn có thể thu tiền từ khách hàng trong nước thông qua các thẻ thanh toán quốc tế.

Về điều kiện kinh doanh vận tải, Uber có thể là mô hình kết hợp giữa “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi” và “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định”. Bộ Giao thông vận tải cần có quy định mới điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp.

Về cước phí và cách thức tính phí của Uber, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp nghiên cứu để có phương án phối hợp quản lý cước phí phù hợp. Hiện tại, cách tính phí mà Uber thường áp dụng ở thị trường Việt Nam như sau: Giá cước thông thường tại thời điểm hiện tại tương đương giá cước taxi 7 chỗ loại tốt nhất trên thị trường. Giá cước có thể tăng đột biến vào lúc cao điểm. Phần mềm được cài đặt vào điện thoại di động của khách hàng và khi kết thúc hành trình sẽ gửi điện tử các dữ liệu về số km, cước phí… cho khách hàng qua hóa đơn điện tử. Hóa đơn này do Uber phát hành thay mặt cho chủ xe.

Xét về ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động, trường hợp Uber là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải thì ứng dụng của Uber có tính năng tương tự với website thương mại điện tử bán hàng. Còn nếu Uber chỉ cung cấp giải pháp công nghệ cho phép các lái xe và công ty kinh doanh dịch vụ vận tải kết nối với khách hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình thì ứng dụng của Uber có tính năng tương tự với sàn giao dịch thương mại điện tử.