Cục Công nghiệp đánh giá, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc, bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Đó là các nội dung liên quan đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đối tượng được hưởng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tính đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật.

{keywords}
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP thay thế “Điều 12. Chính sách ưu đãi đối với dự án sản xuất hoặc tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển”. Cụ thể: Đối với chính sách ưu đãi thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với chính sách ưu đãi về thuê đất, mặt nước: Dự án sản xuất hoặc tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trợ ưu tiên phát triển được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày được xác nhận ưu đãi, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 07 năm tiếp theo.

Với chính sách tín dụng, dự thảo nêu rõ: Các doanh nghiệp có dự án sản xuất hoặc tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được xem xét cấp bù lãi suất khi vay từ Ngân hàng thương mại. Việc bù lãi suất được Nhà nước hỗ trợ thông qua việc tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại.

Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước ưu đãi nhưng không quá 3% trong thời hạn tối đa 12 năm. Trường hợp các khoản vay nêu trên gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được xử lý theo quy định. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết nội dung này.

Riêng đối với chính sách cho vay vốn lưu động, dự thảo đề xuất: Các doanh nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 80% giá trị hợp đồng hợp đồng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Về chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường: Hỗ trợ đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương tại các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuê, thuê lại tối thiểu đạt 20% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu, cụm công nghiệp.

Minh Đức