Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 13/7/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận được văn bản số 070717/CV của Công ty Cổ phần Xe điện toàn cầu PEGA LTT về việc thông báo và đề nghị hỗ trợ xử lý xe giả, nhái kiểu dáng chính hãng.

Công ty Cổ phần Xe điện toàn cầu PEGA LTT thông báo về tình hình vi phạm nghiêm trọng của một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm xe đạp điện trôi nổi, xâm phạm Bằng độc quyền sở hữu trí tuệ của công ty.

Phía PEGA đề nghị Bộ trưởng xem xét và có các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền về sở hữu trí tuệ được thực thi, đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương xem xét hồ sơ và văn bản của Công ty Cổ phần Xe điện toàn cầu PEGA LTT, tiến hành kiểm tra và đề xuất phương án xử lý đối với trường hợp của công ty, báo cáo Bộ trưởng.

Như ICTnews đã đưa, mới đây, Công ty PEGA đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về tình trạng xe điện của doanh nghiệp này bị nhái thương hiệu PEGA, chất lượng thấp, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và thiệt hại lớn cho công ty.

Trong đơn kêu cứu, Công ty PEGA cho biết trong quá trình phát triển, PEGA (trước đây là HKbike) đã sáng tạo ra những mẫu thiết kế với bản sắc riêng nhằm đem tới sự khác biệt, phục vụ nhu cầu thời trang, hiện đại như 2 mẫu xe đạp điện Zinger Color và Cap A, cùng 2 dòng xe máy điện Crazy Bull và Trans.

Để đề phòng hàng nhái, PEGA đã đăng ký bản quyền thiết kế ở cả Trung Quốc và Việt Nam cho dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, trong quá trình chờ cấp bằng sáng chế ở Việt Nam, các đối thủ cùng ngành xe điện liên tiếp gây khó dễ, kéo dài thời gian để bán xe nhái chất lượng thấp tới người tiêu dùng.

Việc cấp bằng sáng chế cho dòng Cap A-2 (Cap A thế hệ thứ 2) của PEGA kéo dài gần 15 tháng, và mới được Cục Sở hữu Trí tuệ ký duyệt từ ngày 21/6/2017. Công ty PEGA cho biết, trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần thương mại quốc tế Phú Sỹ đã nhập xe nhái, giả mạo mẫu Cap A để bán tại thị trường Việt Nam, thậm chí sử dụng cả nhãn mác và thiết kế gần như y hệt so với sản phẩm chính hãng.

Giá bán của các sản phẩm nhái từ khoảng 9-11 triệu đồng, trong khi giá bán của xe chính hãng ở mức 13,99 triệu đồng. Các thông tin về xe điện nhái đã được nhiều cơ quan báo chí, truyền hình trên khắp cả nước ghi nhận vào khoảng tháng 10/2016.

Nhiều cửa hàng cũng thừa nhận việc xe nhái có chất lượng thấp hơn, và không có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ để đăng ký biển số.