Tuần trước, trên báo Tuổi Trẻ (15-6-2015) có tin một “cậu” bị thôi việc quay lại tố đã hối lộ các sếp, trong đó có biếu một sếp “chiếc đồng hồ gỗ từ bên Đức trị giá 30 triệu đồng”! Đọc tin đó, chắc 99,9% độc giả không hiểu sao lại có vụ biếu đồng hồ gỗ. Muốn hiểu, độc giả phải biết giới “chơi hi-end” chơi như thế nào...
“Chơi hi-end” trong nghe nhìn đã là một phong trào từ cả chục năm nay. Từ ngữ “hi-end” chỉ các thiết bị âm thanh (ampli, loa, đầu đĩa...) tức đầu cuối của quá trình biến tín hiệu âm thanh từ đĩa, băng... thành âm thanh tai nghe được cực kỳ tinh tế, trong suốt chứ không chỉ trung thực (hi-fi). Để có được một dàn máy, loa “hi-end”, phải tốn nhiều tiền, rất nhiều tiền. Tham khảo trang web một cửa hiệu trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Sài Gòn), một dàn âm thanh “tầm tầm” với đầu đĩa hiệu Boulder (giá 470 triệu đồng), tiền khuếch đại Boulder (giá 575 triệu đồng), khuếch đại Boulder giá 1,6 tỉ đồng và cặp loa Tannoy Westminster Royal GR, giá 752 triệu đồng, cộng lại là 3,397 tỉ đồng, chưa kể dây tín hiệu, dây loa, lọc điện... Đó mới là những dàn máy tầm tầm bậc trung có thể nhìn thấy đại trà ở các cửa hàng... chứ chưa nói đến những dàn “độc” mà mới chỉ cặp dây loa thôi đã được Sóng Nhạc cho là có giá... 30.000 đô la Mỹ, ngang với một chiếc ô tô loại ngon lành.
Dàn âm thanh Hi-end số 1 Việt Nam với tổng trị giá 8 tỉ đồng (Ảnh: NLĐ) |
Thế nhưng, sắm dàn máy “siêu” như thế để thưởng thức âm nhạc hay không lại là chuyện khác. Không rõ từ khi nào mà giới audiophile (nghiện âm thanh) rủ nhau mua đồng hồ “cúc-cu” bằng gỗ chưng cùng với dàn máy hi-end, cứ 15 phút đổ mấy tiếng, một giờ đổ một tràng, kêu càng lớn, càng oai! Chẳng qua do tiền thì “đông như quân Nguyên” song không biết kiếm vật gì thích đáng để chưng, bèn rủ nhau mua đồng hồ “cúc-cu” giả cổ về chưng cho sang trọng! Đến đây chắc độc giả đã hiểu tại sao có vụ biếu đồng hồ “cúc-cu”.
Tháng rồi, tôi có dịp quay lại Ý và Hy Lạp, ở lâu lâu, nên đủ thì giờ ghi nhận dân chúng các xứ này hầu hết đều đi xe hơi nhỏ và cũ, cỡ đời “đèn vuông” (1990). Cho dù kinh tế hai nước này có đi xuống, nhất là Hy Lạp nợ nần muốn bể hụi, song dẫu sao đó cũng là những nước mà trình độ phát triển hơn hẳn Việt Nam ta, tính theo GDP/đầu người. Không chỉ dân hai nước này mà dân các nước châu Âu nói chung cũng thế. Sao họ lại hà tiện mà đi xe nhỏ vậy? Chẳng qua, họ thiết thực: cái xe là “chân” để đi, chớ không phải để khoe mẽ. Cô em gái tôi ở Ý vẫn đang lái một chiếc Matiz quen thuộc ở Việt Nam của những năm 1990 bé tí xíu, song trên huyện lộ chỉ một làn xe mỗi chiều, vẫn chạy phom phom 80 ki lô mét/giờ.
Trong khi đó, ở xứ ta, hầu như hiếm khi Matiz chạy được 80km/giờ, do đường sá, kể cả quốc lộ 51 ra Vũng Tàu là con đường thường được sử dụng nhất, do đông xe hai bánh quá. Mới đây, đọc báo thấy trên cao tốc Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép nâng tốc độ tối đa lên từ 10-20%, kèm theo giải thích để sử dụng công suất thiết kế tốt hơn nữa... Vậy mà, sắm xe là cứ phải “hai chấm” trở lên, mới “coi được” cho dù chạy trong thành phố suốt đời chỉ 20-40 ki lô mét/giờ là cao. Máy “mấy chấm” vẫn chưa đủ, còn phải nhãn hiệu cỡ nào nữa. Một phóng viên trung niên tự thán “Em chạy chiếc Ford Fiesta “cùi” thôi”!
Có điều gì đó bất thường ở ta! Nhớ lại, cái bệnh lấy xe làm “dấu nhấn” này bắt đầu từ cuối thập niên 1980 với những chiếc Honda Dream Thái. Khá khen ai khéo đặt tên, biến chiếc xe, vốn là phương tiện để đi, thành ước mơ. Đến năm 1990, đến lượt Win lên ngôi, nhà trong ngõ ọc ạch, chật chội, là thế song ra ngõ là phải Win! Thế nhưng, đó là giai đoạn mới mở cửa, thoát thai từ những năm dài thiếu thốn. Còn bây giờ, 25 năm sau, sự khoe mẽ còn được nâng lên tầm Lamborghini, lại được tiếp tay lan truyền bởi một số báo chí với những tin như “Ba bộ sưu tập siêu xe khủng nhất Việt Nam của đại gia kín tiếng”, “Điểm danh siêu xe biển khủng đất Đà Nẵng”, “Đột nhập những garage siêu xe “hàng khủng” nhất Việt Nam”... Hèn chi, cứ tranh nhau khoe mẽ và làm hao tốn ngoại tệ! Với những chiếc xe như thế, nếu có thưởng thức, bất quá chút mẽ được báo bổ khoe giùm, hơn là tốc độ của xe! Cũng như với những dàn hi-end nói ở đầu bài, nếu mua chỉ để chưng mà không biết thưởng thức thì cũng chỉ là uổng phí. Chẳng qua, đó là hội chứng chỉ có thể thấy ở một vài xã hội với nền kinh tế chuyển đổi và nặng bệnh sĩ!
(Theo TBKTSG)