Chủ động phối hợp
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, học sinh sẽ kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Canh Tý vào ngày 29 tháng 1 (tức là ngày mùng 5 Tết) và trở lại trường học vào thứ năm, ngày 30 tháng 1. Vào tối 28 tháng 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra công điện về ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 12 ngày 23 tháng 1 năm 2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và Công văn số 1696 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
Công điện cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân.
Hướng dẫn học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học.
Đề nghị hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc
Trước đó, ngày 27 tháng 1, Cục Hợp tác Quốc tế đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị hỗ trợ đảm bảo an toàn và phòng tránh dịch bệnh cho lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Đa phần đã về nước nghỉ tết, nhưng vẫn còn 141 người đang ở tại 20 địa phương của Trung Quốc.
Cục Hợp tác Quốc tế trân trọng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục thông tin về tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cho Bộ GDĐT (qua Cục Hợp tác quốc tế) và có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho lưu học sinh Việt Nam đang ở tại Trung Quốc.
Đồng thời, giúp trao đổi với Bộ Giáo dục Trung Quốc để có thông tin cập nhật về kế hoạch học tập nói chung cho lưu học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục của Trung Quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục Trung Quốc để đảm bảo việc học tập cho lưu học sinh nếu lưu học sinh phải tạm dừng học trong thời gian dịch bệnh..
Song Nguyên