Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp diễn ra sáng 8/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh (nhất là đợt dịch bùng phát trong tháng 7/2021), các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khi các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, đã khiến cho sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Theo thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2021 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020; đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 29,1% tổng số doanh nghiệp rút lui của các nước. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, đợt dịch là này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn các lao động, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam-khu vực kinh tế năng động nhất của đất nước. Theo Bộ trưởng, điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm, trung bình nhu cầu trong các ngành đi xuống từ 40%-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu cắt giảm đến 70%-80%.
Trong bối cảnh đó, doanh thu của các ngành đồng loạt giảm mạnh trên diện rộng, như ngành du lịch không phát sinh doanh thu, các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt (từ tháng Tư trở lại đây) đồng thời doanh thu ngành hàng không đã sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh này thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp, tạo nguồn lực hồi sinh cho doanh nghiệp |
8 nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 8 nhóm giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện trong ngắn han và dài hạn. Trong đó, đối với nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay, Bộ trưởng đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu gồm:
Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao. Nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vắc xin và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, công khai thông tin đối với các đối tượng đã được tiêm phòng.
Nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vắc xin, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế) với cách tiếp cận, coi đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, nâng cao khả năng nghiên cứu, năng lực sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, nâng cao sức chống chịu, đáp ứng nhu cầu nhanh nhất, thích ứng với mọi tình huống trong phòng, chống dịch với một chi phí thấp. Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn.
Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất; nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch Covid-19; ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động. Nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; nghiên cứu khung quy định về nhà máy an toàn để có thể linh hoạt áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và doanh nghiệp. Tổ chức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng; vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong khu công nghiệp nhưng phải tuyệt đối an toàn.
Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn; Nghiên cứu đề xuất tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20 nghìn tỷ và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỷ sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ. Nghiên cứu đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp FDI, phù hợp với tình hình thực tế.Khẩn trương hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới áp dụng thống nhất ở các Bộ, ngành và địa phương đối với các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với đối tượng đã được tiêm chủng, lãnh đạo các Tập đoàn lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, giảm thời gian cách ly xuống mức thấp nhất.
Đối với nhóm chính sách dài hạn, Bộ trưởng kiến nghị 4 nhóm giải pháp chính tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế như đã nêu ở trên; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp Bộ trưởng đề nghị, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bảo Anh