Vậy là đã gần 6 năm sau ngày cặp me kiểng cổ của anh Lộc được công nhận kỷ lục Việt Nam, gặp anh trong trang trại đầy ắp cây kiểng, chuyện khởi nghiệp, tương lai và những trăn trở với nghề cứ thế ùa về.

Anh Lộc nói: “Cuộc đời tôi có những cái rất lạ, không giải thích được. Có lẽ không duyên với nghề mình chọn thì theo cái nghề đã chọn mình. Nghề nào cũng được, miễn lo đủ cho gia đình, đóng góp một phần gì đó cho xã hội thì ai cũng trân quý".

{keywords}
Anh Lộc đang sửa một cây khế kiểng.

Ngã rẽ cuộc đời

Trong cuộc đời của mình, có lẽ lúc đậu đại học bách khoa TP Hồ Chí Minh là những ngày vui nhất với anh Lộc. Ngày đó, anh khăn gói lên đường theo học ngành điện tử với bao hoài bão. “Gia đình làm nghề hoa kiểng, tôi rời xứ hoa lên TP Hồ Chí Minh học nghề khác để lập nghiệp nhưng rồi lại dính với kiểng. Nghề chọn mình chứ mình không thể chọn nghề”- anh Lộc nói.

Tuy gia đình theo nghề hoa kiểng nhưng lúc đó anh Lộc chưa hề có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này ngoài những buổi phụ mẹ bán hàng cho khách. Khi lên TP Hồ Chí Minh học, ở tại nhà người quen gần công viên Hoàng Văn Thụ - nơi có một số ki ốt bán kiểng, anh bắt đầu chú ý hơn đến nghề này.

Mỗi sáng anh thường thức dậy sớm, nhận nhiệm vụ châm trà để các nghệ nhân “đàm đạo” về cây kiểng. Nghe nhiều cộng với những lúc rảnh rỗi được các chú kêu sửa lặt vặt, rồi chỉ dạy thêm, tình yêu cây kiểng bắt đầu lớn dần trong anh.

“Cứ thế, thứ bảy, chủ nhật tôi thường không đi tụ họp bạn bè mà tiếp các chú, bác chăm sóc kiểng để học nghề. Thỉnh thoảng khi về quê, tôi chọn mua 2 cây kiểng đưa lên xe chở về để trong vườn nhà chơi. Sau đó, nếu ai thích có thể chia lại để có tiền trang trải việc học”- anh Lộc nhớ lại.

Nhờ “thọ giáo” những người chuyên về kiểng tại TP Hồ Chí Minh mà anh Lộc biết cách nhìn dáng cây, cách sửa, đặc biệt là các bí quyết về cây kiểng và bonsai. Những kiến thức được anh tiếp thu dần cho đến một ngày biến cố gia đình khiến cuộc đời anh gắn bó với nghề kiểng cho đến hôm nay.

“Tôi nhớ rõ lúc học năm thứ 3 đại học, gia đình có biến cố, buộc tôi phải về tiếp giúp. Lúc này, tôi bảo lưu kết quả học để giải quyết xong việc quay trở lại trường tiếp tục học. Không ngờ về quê, việc gia đình, rồi chuyện cơm, áo, gạo tiền như dòng chảy cuốn đi hoài và khi nhớ lại thì thời gian bảo lưu đã hết. Vậy là cơ hội học đại học không còn và tôi gắn bó luôn với nghề kiểng cho đến nay”- anh Lộc tâm sự:

{keywords}
Anh Lộc và cặp me được công nhận kỷ lục Việt Nam.

Vườn kiểng trăm tỉ…

Sau khi về quê lập nghiệp, nghề làm hoa kiểng được anh Lộc chăm chút và mở rộng sản xuất. Nhiều loại cây kiểng mới được anh sưu tầm mang về dưỡng rồi tham gia các cuộc thi, trưng bày kiểng tại Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, giúp uy tín vườn kiểng của anh ngày một nâng cao. Ngoài ra, anh còn sản xuất thêm chậu, cung cấp dụng cụ bonsai, đi thiết kế cây cho các công trình lớn.

Sau nhiều năm làm hoa kiểng, anh Lộc đã tích lũy mua được 1,7ha đất lập trang trại hoa kiểng quy mô vào loại nhất nhì tại Làng hoa Sa Đéc. Trang trại của anh hiện có khoảng 50 loại kiểng với hơn 5.000 cây, trị giá các loại hoa kiểng hơn 100 tỉ đồng, chủ yếu như: vạn niên tùng, mai chiếu thủy, nguyệt quế, khế… Mỗi cây có dáng, thế và giá trị nghệ thuật khác nhau, giá bình quân từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra, trang trại hoa kiểng của anh Lộc còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương. Đặc biệt, trong quá trình làm hoa kiểng, anh Lộc đã mua được 2 cây me tại Tiền Giang về chăm sóc. Cặp me này cao hơn 6m hiện có giá trị khoảng 10 tỉ đồng và được xác lập Kỷ lục Việt Nam "Cặp me kiểng cổ nhất" vào năm 2013.

Bên cạnh đó, anh Lộc còn trồng thêm hoa hồng nhằm bảo tồn và nhân rộng những giống hồng quý hiếm, đồng thời phục vụ cho khách tham quan du lịch. Vườn hoa kiểng của anh Lộc đang là điểm tham quan hấp dẫn của du khách mỗi khi đến làng hoa Sa Đéc. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến hàng ngàn cây kiểng cổ có giá trị nghệ thuật cao cũng như nhiều loại hoa hồng quý hiếm trong và ngoài nước.

Anh Lộc cho biết mục tiêu của vườn du lịch là đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng. Điểm nhấn của vườn là trung tâm trưng bày, giới thiệu những loài hoa và cây cảnh đặc sắc, đặc biệt là các giống cây mới.

… và những trăn trở với nghề

Bây giờ, giới chơi kiểng ở miền Tây ai cũng biết anh Lộc. Anh nổi tiếng không ở sự giàu có mà chính tình yêu bất tận cho cây kiểng và sự trăn trở với nghề.

Hôm gặp chúng tôi anh trải lòng: “Thực tế hoa ở Sa Đéc phát triển rất nhanh những năm gần đây nhưng lại chưa có một vườn bonsai nào hấp dẫn, như thế là quá đáng tiếc. Hoa giá trị gấp 10 lần lúa, trong khi kiểng thì giá trị gấp 10 lần hoa tại sao chúng ta không phát triển thêm nhiều kiểng. Cây kiểng bảo đảm tính bền vững ổn định và giá trị thì không tính hết được. Trong lúc chúng ta kêu gọi phát triển nông nghiệp đô thị thì kiểng là số một, nếu có cây tốt và chịu đầu tư thêm kỹ thuật thì vô giá”.

Những trăn trở đó cho thấy tâm huyết của anh Lộc với nghề mà anh đeo đuổi. Anh Lộc cho biết anh từng mua một cây kiểng 900.000 đồng, rồi sửa ròng rã 12 năm, bán lại 500 triệu đồng. Đó là kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm để giờ đây khi nói đến nghề, trong anh lại đong đầy suy tư. Rồi chuyện người chơi kiểng nhiều nhưng không có người sửa kiểng, là nỗi trăn trở lớn nhất của anh Lộc hiện giờ. Theo anh Lộc, một nghệ nhân thật thụ đào tạo 2 năm chưa chắc đã vững nghề.

“Tôi từng thành lập tổ để đi sửa kiểng nhưng những người thạo nghề làm mối của mình còn không hết thì đâu có thời gian làm thêm. Do đó, tôi sẵn sàng đào tạo miễn phí 3 tháng thậm chí 6 tháng cho thanh niên địa phương để làm nghề sửa kiểng. Chỉ cần vậy, ra nghề đơn giản cũng kiếm 300.000 đồng/ngày”- anh Lộc tâm sự.

Theo anh Lộc, sở dĩ thiếu nghệ nhân bởi nghề làm cây kiểng không như trồng hoa, nó là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi phải có thời gian, công sức nên kén người chơi cũng như người tạo ra nó. Những người từng theo học nghề cũng phải đặc biệt chú ý bởi không thể nói lý thuyết suông, không thể chỉ rập khuôn theo hướng dẫn của người dạy. Phải sáng tạo thì mới là nghệ nhân. Những người học xong, trong quá trình đi sửa kiểng, có thể hiểu và tìm mua về làm những sản phẩm riêng cho mình. Đây là quá trình lấy ngắn nuôi dài, tích lũy dần sẽ có một tài sản lớn trong tương lai.

“Theo tìm hiểu của tôi, thời gian qua, nguồn cung cấp bonsai cho thế giới chính là Đài Loan nhưng trên đà phát triển, những thế hệ nghệ nhân của họ đã lớn tuổi không còn theo nghề bao lâu nữa thì đây là cơ hội của ta. Ta phải có chiến lược đào tạo để vài năm, thậm chí khoảng chục năm nữa ta sẽ có nguồn nhân lực nhằm tiến đến cung cấp bonsai ra thị trường thế giới”- anh Lộc chia sẻ.
 
(Theo Báo Cần Thơ)