- Vợ chồng tôi đã lấy nhau được 2 năm nhưng chưa đăng ký kết hôn bởi gia đình hai bên không đồng ý. Nay vợ tôi đang có bầu 3 tháng, tôi rất lo lắng không biết nếu chúng tôi không đăng ký kết hôn, con tôi có thể được khai sinh bình thường không? Liệu nếu kéo dài việc không đăng ký này thì sau này con tôi có bị thiệt thòi quyền lợi gì không? Mong luật sư trả lời giúp.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn nhưng muốn khai sinh đầy đủ cho con (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Khai sinh cho con ngoài giá thú.

Hai vợ chồng bạn sống chung 2 năm nhưng chưa đăng ký kết hôn theo quy định tại điều 9 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì việc đăng ký kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, việc kết hôn không được đăng ký thì không có giá trị pháp lý. Đứa trẻ sinh ra mà người cha và người mẹ không có quan hệ hôn nhân, không được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật được coi là con ngoài giá thú.

Điều 9. Đăng ký kết hôn

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Như vậy, trường hợp này con bạn sẽ đăng ký theo thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ bạn thường trú theo quy định tại điều 15 Nghị định 158/2005/ NĐ – CP, Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.

Điều 15. Thủ tục đăng ký khai sinh

“1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.”

Đồng thời với việc khai sinh cho con, bạn sẽ phải làm thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại Điều 34 Nghị định 158/2005/NĐ-CP, Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực:

“1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.”

Thứ hai: Quyền khai sinh của trẻ và quyền được chăm sóc, giáo dục

Đối với trẻ em theo Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em “Điều 11. Quyền được khai sinh và có quốc tịch.

1. Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.

2. Trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, nếu có yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ để xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật. 

Khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “ Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.”  

Theo quy định này Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú. Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 cũng quy định: "Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật".

Như vậy, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, được hưởng đầy đủ các quyền khác về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc