Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo tờ trình và Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, chính sách tinh giản biên chế được ban hành tạo cơ sở pháp lý nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương…

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người tinh (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. 

Có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả làm việc không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản biên chế. 

Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước…

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng

Bên cạnh đó, trong thời gian qua có một số quy định của Đảng và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành có liên quan đến chính sách tinh giản biên chế. Chẳng hạn như các quy định về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó đã thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. 

Hay như chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, trong đó có chủ trương cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm, nếu xin tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo nguyện vọng; việc tiếp tục thực hiện chủ trương, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…

Vì vậy việc xây dựng Nghị định mới quy định về tinh giản biên chế trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các nghị định cũ, đồng thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của pháp luật.

Từ đó nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế; khắc phục các tồn tại, hạn chế của các nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế hiện hành.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất ngoài các trường hợp tinh giản biên chế kế thừa từ các quy định hiện hành, bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, dự thảo đề nghị chỉ áp dụng với công chức, viên chức.

Riêng đối với cán bộ thì trong đề án nhân sự để giới thiệu bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đã xác định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và nhân sự cụ thể nên Bộ Nội vụ đề nghị không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế:

Số biên chế được tinh giản của các Bộ, ngành, địa phương đến nay là 79.024 người (Bộ ngành: 5.510 người; địa phương: 73.5134 người). 

Nếu tính theo đối tượng áp dụng: Viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất (tỷ lệ 66,115% ); cán bộ, công chức cấp xã (tỷ lệ 19,020%) và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (tỷ lệ 0,216% ; người làm việc tại các Hội (chiếm tỷ lệ 0,230%).

Nếu tính theo lý do: Tinh giản biên chế do không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (tỷ lệ 52,712%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (chiếm tỷ lệ là 15,684%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (tỷ lệ là 15,447%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo tỷ lệ là 3,746% ).

Nếu tính theo chính sách được hưởng: Đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất (tỷ lệ 81,813%); chính sách thôi việc ngay (tỷ lệ 18%); chính sách chuyển chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (tỷ lệ 0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (tỷ lệ 0,072%).