Cụ thể, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Thứ nhất là Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thứ hai là Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và văn bản thứ ba là Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Đây là một bước ngoặt lớn về đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới.

Sau gần 30 năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán nội địa hoá ô tô. Tỷ lệ này liên quan mật thiết tới các ưu đãi về thuế trong Hiệp định AFTA, đồng thời cũng từng được coi là căn cứ để áp dụng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô.

Mặc dù các doanh nghiệp ô tô nước ngoài vào Việt Nam đều có cam kết về nội địa hoá ô tô, nhưng các cam kết này lại gần như là cam kết "mềm". Khung khổ chính sách quản lý hiện hành không có chế tài cho các doanh nghiệp chậm chạp nội địa hoá ô tô.

Hiện nay, tỷ lệ này đều do các doanh nghiệp tự tính và tự công bố. Cụ thể, hãng Toyota công bố đạt từ 7-37% tỷ lệ nội địa hoá, trong đó, xe Toyota Innovat đạt tỷ lệ 37%, các hãng xe còn lại chỉ đạt 7-10%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được ban hành tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2014. Theo Chiến lược này, đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Chiến lược phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. 

Dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng số lượng xe ô tô đến 9 chỗ, từ 10 chỗ trở lên, ô tô tải, xe chuyên dùng được sản xuất lắp ráp trong nước lần lượt đạt 60%; 90%; 75% và 15% so với nhu cầu nội địa; tổng lượng xe xuất khẩu là 20.000 chiếc, trong đó ô tô đến 9 chỗ và trên 9 chỗ  đều đạt 5000 chiếc, ô tô tải đạt 10.000 chiếc; xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt 4 tỷ USD…

Tuy nhiên, ngoại trừ ô tô khách, các mục tiêu này đều không đạt được. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cam kết theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong cũng đã được ban hành (Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ chuyển hoàn toàn sang xe chạy điện và năng lượng xanh. Do đó, bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hoá là phù hợp.

Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Phạm Huyền