Vào mùa hè, tình trạng trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa tăng do thời tiết nắng nóng làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, virus. Mùa hè cũng là thời điểm trẻ đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn. 

Khi trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn… PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên, phụ huynh cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. 

Bệnh nhi điều trị tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương

PGS.TS Việt Hà cũng chỉ ra một số sai lầm của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ sốt, nôn, tiêu chảy:

- Tự ý dùng kháng sinh: Ở Việt Nam, việc mua thuốc không cần đơn nên khi bố mẹ thấy con sốt, tiêu chảy… luôn nghĩ đến nguyên nhân nhiễm khuẩn và mua kháng sinh cho trẻ. Tuy nhiên 50% các nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em là do virus nên việc dùng kháng sinh không phù hợp dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc kháng sinh. PGS.TS Việt Hà chia sẻ, quá trình thăm khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ cũng thường ghi nhận các trường hợp dùng thuốc kháng sinh không phù hợp.

- Bổ sung oresol sai cách: Phụ huynh biết rằng trẻ tiêu chảy nhiều bị mất nước, phải bù nước nhưng khi tiến hành lại không thích hợp. Đó là việc không pha đúng tỷ lệ, nếu gói oresol hướng dẫn pha với 200ml, cần pha đủ 200ml nước; hướng dẫn pha với 500ml, phải pha đủ với 500ml nước hoặc pha 1.000ml (1 lít) phải đủ 1.000ml. Nhiều phụ huynh pha với quá ít nước tạo ra dung dịch oresol đậm đặc dẫn đến tình trạng rối loạn nước điện giải, dẫn đến bé co giật. Một số bé không chịu uống oresol, bố mẹ dùng dung dịch thay thế nhưng thay vì dùng nước canh, nước quả, nước cháo… bố mẹ lại dùng nước công nghiệp nhiều đường, áp lực thẩm thấu rất cao, dẫn đến rối loạn cho trẻ. Ngoài ra, bố mẹ bù bằng nước lọc nhưng điều này không hiệu quả bởi khi trẻ bị nôn, tiêu chảy, ngoài mất nước bé còn mất chất điện giải. Nếu chỉ bù bằng nước thông thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải, bé sẽ mệt hơn, dẫn đến điều trị không phù hợp.

Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn. Phụ huynh không cho trẻ uống một lúc quá nhiều nên kiên nhẫn cho bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, 50-100ml sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Kiêng khem: Bố mẹ thường thấy con bị nôn nên cho con ăn nhiều hơn nhưng điều này là không nên. Lúc này, đường ruột của trẻ bị tổn thương phải chia nhỏ bữa ăn. Trường hợp bé tiêu chảy không nên ngừng thức ăn mà bé đang ăn bình thường trừ khi thức ăn nghi ngờ ngộ độc, nhiễm khuẩn. Nếu không bố mẹ vẫn phải duy trì chế độ ăn đó cho trẻ. Việc bố mẹ kiêng khem như bé ăn đang ăn cháo thịt lại đổi sang cháo muối, cháo đường… hoặc cắt thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn làm chậm quá trình phục hồi niêm mạc ruột, suy dinh dưỡng cũng như là tiêu chảy chậm hồi phục.

Dùng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy: Các thuốc hỗ trị điều trị đường tiêu hóa, chúng ta có thể dùng men vi sinh, kẽm nhưng tuyệt đối không sử dụng cầm nôn, cầm tiêu chảy. Nguyên nhân là các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm nhu động ruột không co bóp. Điều này khiến bé không nôn, không đi ngoài nhưng nguyên nhân nhiễm khuẩn còn tồn tại trong đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng nhiễm độc trở lại làm cho bệnh diễn biến xấu hơn.

Kinh nghiệm tránh bệnh tiêu hóa mùa hè cho trẻ:

- Vệ sinh môi trường ở, vệ sinh nguồn thực phẩm, thức ăn, đồ chơi… Ngoài ra, gia đình cần vệ sinh bô, bồn cầu… vì các tác nhân gây bệnh bám lâu trong môi trường này khi bé sờ, chạm vào dễ bị nhiễm khuẩn. Nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình. Cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan. 

- Lưu ý bảo quản thực phẩm: Tủ lạnh với nhiệt độ 5 độ C, virus, vi khuẩn vẫn có thể phát triển. Vì vậy nếu chúng ta để thực phẩm tươi sống và chin lẫn vào nhau, không có sự cách biệt hay hộp bảo quản sẽ tạo môi trường dễ lây nhiễm khuẩn.

- Với trẻ nuôi bằng sữa mẹ, phải cho bé bú càng sớm càng tốt, hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ 6 tháng trở, có thể bổ sung thêm thực phẩm đảm bảo tươi ngon, sạch. Như vậy, trẻ phải được bú bú sữa mẹ và ăn đầy đủ dinh dưỡng.

- Trẻ phải tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Trường hợp cho trẻ đi du lịch, phụ huynh phải chọn nơi có nguồn thực phẩm đảm bảo. Với thực phẩm mang theo như sữa, bánh dễ bị nhiễm khuẩn cần phải lưu ý bảo quản đúng cách.

Ngọc Trang

Sự thật về tin đồn ‘dịch nôn’ khiến nhiều trẻ nhập việnNhững ngày qua, trên mạng xã hội, không ít phụ huynh chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ nôn liên tục, tiêu chảy… khiến người dân lo lắng.