Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn và hằng năm để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là "người lao động có thu nhập thấp".
Theo báo cáo của 73 bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/6, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề.
Nhiều địa phương phản ánh khó khăn
Tuy vậy, một thực tế là khi triển khai Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, 48 địa phương dù dã được phân bổ nguồn vốn Chương trình không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp, do chưa có văn bản xác định cụ thể tiêu chí về nhóm đối tượng này.
Không có tiêu chí “người lao động có thu nhập thấp”, các địa phương không có cơ sở để rà soát, xác định đối tượng và triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.
Liên quan đến tiêu chí này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho biết qua giám sát của Ban Dân nguyện, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định "người lao động có thu nhập thấp".
Có 29 địa phương có văn bản kiến nghị và nhiều địa phương phản ánh, kiến nghị; Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể về đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.
Bổ sung quy định cụ thể tiêu chí "người lao động có thu nhập thấp" để hỗ trợ đào tạo nghề là cấp thiết
Thông tin từ Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ cho biết, thời gian qua, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với đầu năm 2024, còn 1,93%. Tại nhiều địa phương trong cả nước, đời sống các địa bàn lõi nghèo đã có sự cải thiện, chuyển biến đáng kể.
Thực hiện chính sách giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống của người dân các vùng, khu vực, dân tộc hay nhóm dân cư.
Theo Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Nhà nước trao cho người dân nghèo "cần câu, không trao con cá" mà không bày cho họ "cách câu" thì cũng không giải quyết được triệt để vấn đề việc làm. Điều này có nghĩa là, việc làm cần được giải quyết khi phải vừa tạo nguồn vốn để sinh kế nhưng phải đào tạo nghề.
Đào tạo và dạy nghề không chỉ là việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người lao động, mà còn mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống, giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Nói cách khác, đào tạo nghề là "chìa khóa" giảm nghèo bền vững.
Chỉ còn hơn một năm để triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Thời gian không còn nhiều, để đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chương trình, bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp các địa phương thuận lợi trong việc sử dụng nguồn vốn được cấp, tránh lãng phí, khó giải ngân, việc bổ sung quy định cụ thể tiêu chí "người lao động có thu nhập thấp" để hỗ trợ đào tạo nghề là nhu cầu cấp thiết và cấp bách.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiêu chí xác định ra sao?
Hiện, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2024 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó đưa ra phương án quy định về tiêu chí, quy trình xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”.
Việc bổ sung quy định tiêu chí này chỉ giới hạn áp dụng, điều chỉnh trong phạm vi thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 13/1/2025.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiêu chí xác định "người lao động có thu nhập thấp" như sau: Người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình:
- Ở khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.250.000 đồng trở xuống.
- Ở khu vực thành thị: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 3.000.000 đồng trở xuống.
Theo cơ quan soạn thảo, đề xuất này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình và bảo đảm không làm phát sinh tăng ngân sách Nhà nước.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4.170.000 đồng/người/tháng; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị là 6.260.000 đồng/người/tháng. Với tiêu chí cụ thể như Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức chuẩn để làm căn cứ xác định người lao động có thu nhập thấp chỉ bằng 48 - 54% mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023.
Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, số nhân khẩu của hộ ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.250.000 đồng/tháng trở xuống và hộ ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân đầu người từ 3.000.000 đồng/tháng trở xuống không bao gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa qua đào tạo là khoảng hơn 3,4 triệu người.