Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương (Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Khoa học và công nghệ,... ) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Việc này nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương.

gia xang dau fb.jpg
Bộ Tài chính đề nghị địa phương phối hợp quản lý hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu (Ảnh: Thanh Tùng).

Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Từ đó, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định tại Nghị định số 123 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở công thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Bộ đặc biệt lưu ý quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.

Ngoài ra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật...

Trước đó, ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. 

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.

Trong đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ngày 3/12, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh họ gặp khó khăn về nhân lực và kêu lãng phí khi phải bỏ hoặc thay mới các thiết bị để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ước tính, mỗi cửa hàng xăng dầu sẽ phải chi khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng để trang bị hạ tầng.

Bộ Công Thương cũng cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.

Hạnh Nguyên