Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và công luận. Đây là lần đầu tiên, một quy hoạch được triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, mở ra cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để tạo nên các động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Quy hoạch tổng thể quốc gia chính là công cụ quản lý nhà nước trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo kế hoạch, dự thảo Quy hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022 tới đây.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng thịnh vượng.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 - 8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, đảm bảo tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.

Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.

Về môi trường, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.

Tỷ lệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải vào lưu vực các sông đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%. Cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam, các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, các cảng hàng không quốc tế lớn. Phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp. Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đánh giá cao dự thảo Quy hoạch thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu, hình thành các hành lang kinh tế, TS D. Leipziger, chuyên gia WB cho rằng trong thực tế, yếu tố bất định ngày càng tăng lên cả về địa chính trị và điều hành kinh tế, do đó Việt Nam cần cập nhật, bám sát thực tế và có lộ trình điều chỉnh Quy hoạch giữa kỳ, coi văn bản Quy hoạch là “tài liệu sống”.

Các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới để không gây lãng phí. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia của WB. Giám đốc quốc gia WB Việt Nam, bà C.Turk nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ cần được xây dựng tốt mà còn phải có tính khả thi và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng do nguồn lực tài chính có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia đòi hỏi phải có những quyết định ưu tiên về nguồn vốn và lựa chọn đầu tư.

Để giải quyết bất cập phát sinh khi triển khai Quy hoạch, WB khuyến nghị cần bảo đảm các kế hoạch đầu tư trung hạn được liên kết chặt chẽ, ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới kết quả, nhằm cải thiện quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia và khu vực trong phạm vi dự báo đáng tin cậy về khả năng chi trả của ngân sách; đồng thời, cải thiện quy trình đầu tư công, từ lựa chọn dự án đến giải ngân vì đó là giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể.

 Quang Ninh, Lê Thúy, Trần Ninh