Ngày 22/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) diễn ra tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông Xã hội Timor Leste Expedito Loro Dias Ximenes.

Cùng tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, còn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông Xã hội Timor Leste Expedito Loro Dias Ximenes.

Tại buổi tiếp, Việt Nam và Timor Leste đề xuất tăng cường tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về đất nước, con người và tình hữu nghị giữa hai nước. Hỗ trợ nhau trong việc đưa tin và quảng bá vào các dịp lễ quốc gia lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, người đứng đầu hai Bộ mong muốn hợp tác để phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trong thời gian tới…

Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN lần thứ 16 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong đối ngoại đa phương và khẳng định ý nghĩa của hợp tác ASEAN.

Hội nghị lần này Việt Nam lựa chọn chủ đề: “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.

Bộ Truyền thông Xã hội Timor Leste chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ TT&TT Việt Nam.

Chủ đề đã nêu bật vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực truyền thông trong giai đoạn mới, đưa thông tin trở thành động lực của phát triển, không chỉ cung cấp thông tin, mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ thông tin thành tri thức, để xây dựng một ASEAN tự cường, củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu và thích ứng để khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN không chỉ hướng nội, mà còn sẵn sàng ứng phó với những biến động trước tình hình thế giới hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, tại hội nghị, Việt Nam đã mang đến những sáng kiến và thông điệp rất cụ thể.

Thứ trưởng cho biết, đề xuất đầu tiên của Việt Nam liên quan đến vấn đề giáo dục nhận thức, đặc biệt là nhận thức số cho công dân. Thứ hai là bắt buộc phải có những phương pháp để buộc các nền tảng truyền thông xuyên biên giới tuân thủ đầy đủ pháp luật của các quốc gia, quy tắc ứng xử quốc gia, khu vực liên quan những vấn đề nhạy cảm như văn hóa, bản sắc…

Vấn đề trách nhiệm của những nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, cũng như vấn đề đạo đức của công nghệ được áp dụng trong truyền thông đã được Việt Nam đưa ra để đề nghị các bộ trưởng và đã được chấp thuận đưa vào tuyên bố chung hội nghị.

Sáng kiến thứ 3 Việt Nam mang đến hội nghị, đó là để bảo vệ cho công dân không chỉ đơn thuần chống tin giả, mà phải làm cho thông tin chính thống (truyền thông Nhà nước) xuất hiện trên nền tảng số, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Sáng kiến thứ 4 của Việt Nam là chuyển đổi số toàn bộ thông tin cơ sở...