Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM trong 10 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hồ hởi thông tin: Đã có 52,4% số xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, NTM đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn, trở thành phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tỉnh hưởng ứng.

Song, Bộ trưởng cũng chỉ ra còn nhiều điểm cần khắc phục ngay trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới.

Cụ thể, kết quả thực hiện chương trình của một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, tiến độ còn chậm. Vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền như: Vùng Đồng bằng sông Hồng (84,86%), Đông Nam Bộ (71,91%) thì Miền núi phía Bắc (28,60%), Tây Nguyên (37,73%), Đồng bằng sông Cửu Long (45,49%), Duyên hải Nam Trung Bộ (45,85%).

{keywords}
Dù đạt kết quả tốt, song Bộ trưởng cho rằng còn nhiều điểm cần khắc phục trong xây dựng NTM

Sự quan tâm thực hiện Chương trình có nơi, có lúc còn thiếu sâu sát, chưa thường xuyên và chặt chẽ; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, công tác chỉ đạo, điều hành sử dụng vốn của một số địa phương còn kém hiệu quả, còn trông chờ vào nguồn lực của Trung ương. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn của một số địa phương còn nhiều hạn chế.

Nhiều địa phương đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Nhiều xã ở các khu vực khó khăn đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn, làm điển hình cho các xã khác học hỏi và làm theo. Tuy nhiên, chất lượng đạt chuẩn chỉ ở mức “chạm ngưỡng”.   

Sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa chặt chẽ. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã gắn các tiêu chí, nội dung thực hiện với hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng các cơ chế, chính sách thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm được ban hành, kéo theo kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất đạt kết quả chưa cao; thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh, dần thu hẹp với khoảng cách so với đô thị nhưng chưa thực sự đột phá.

Chất lượng và năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất tạo mô hình sản xuất hàng hóa tập trung chưa đủ mạnh, rõ ràng; mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn còn khó tiếp cận; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chậm được sửa đổi...

Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước đã có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm.

Xác định Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Tuy nhiên việc hệ thống hóa tổ chức bộ máy vận hành chưa thực sự thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, các tỉnh thành cần chú trọng khắc phục những điểm yếu trên để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả, biến những vùng nông thôn ở nước ta thành những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Ở đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Bài: Trần Thị Thục Anh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV