Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo luôn là khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt với những chính sách đặc thù. Tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và tiến tới rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trên cả nước. Để đạt được mục tiêu đó thì vai trò của các chính sách, công tác triển khai các chính sách đến với vùng đồng bào dân tộc vùng khó khăn là rất quan trọng. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ để thấy được hiệu quả của những chính sách dân tộc cũng như công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong hoạch định và triển khai các chính sách về dân tộc.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, dân tộc và miền núi luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách đặc thù. Xin Bộ trưởng cho biết trong năm qua những chính sách về dân tộc đã được Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ triển khai và đạt được những kết quả như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những sự quan tâm đặc biệt đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, đến thời điểm này trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi  đã có 98% số xã có ô tô đi đến trung tâm xã, đi lại được 4 mùa, trên 96% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, nhiều xã có trường mầm non, 98% số xã có trạm y tế được kiên cố hóa.

Công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân rất quan tâm. Hàng năm, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số đạt trên 4%, con em được hỗ trợ đến học ở trường nội trú, bán trú được nhà nước cấp gạo để ăn học và hỗ trợ kinh phí, đồng bào được nhà nước mua bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.

Như vậy, trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư và hỗ trợ đồng bào, giúp đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là cơ quan hoạch định các chính sách về dân tộc và Uỷ ban Dân tộc của Chính Phủ là cơ quan trực tiếp triển khai. Có thể nói, sự phối hợp giữa hai cơ quan là rất quan trọng. Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong năm qua, cũng như công tác phối hợp giữa hai cơ quan để thực hiện tốt nhất các chính sách về dân tộc?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Đạt được những kết quả to lớn và quan trọng của đồng bào dân tộc và miền núi là nhờ sự quan tâm Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng.

Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp rất chặt chẽ và hiệu quả với Hội đồng Dân tộc một cách toàn diện và triệt để. Hàng năm Uỷ ban Dân tộc báo cáo tại phiên toàn thể của Hội đồng Dân tộc hai lần; Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng Dân tộc trong kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc.

Trước khi ban hành các chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đều xin ý kiến và sự thẩm tra của Hội đồng Dân tộc; Khi đi kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách dân tộc, có những vướng mắc nảy sinh, Uỷ ban Dân tộc đều trao đổi với Hội đồng Dân tộc. Trên cơ sở đó, có căn cứ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh cho hợp lý. Đây là sự phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả, giúp cả hai cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

PV: Thưa Bộ trưởng, Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ là cơ quan trực tiếp triển khai các chính sách về dân tộc. Để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế thì cần phải điều chỉnh những gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Chúng tôi đánh giá rằng, những chính sách về dân tộc đã phát huy thực tiễn, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất cần điều chỉnh một số điểm sau. Thứ nhất, cần điều chỉnh từ cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi. Thứ hai, chuyển từ hỗ trợ không có điều kiện sang có điều kiện. Ví dụ hỗ trợ cho hộ gia đình, cho thôn bản, cho xã trong thời gian từ 3 đến 5 năm phải cam kết thoát nghèo, hướng tới ra khỏi vùng khó khăn, để hạn chế tư tưởng muốn là hộ nghèo, hộ khó khăn để hướng chính sách của nhà nước. Thứ ba, phải phát huy được nội lực của từng hộ gia đình, từng địa phương, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập để giảm nghèo, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước.

Tuy nhiên, đây là sự điều chỉnh cần có thời gian, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phải tạo được sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm sao để bản thân họ nhận thức được đầy đủ, để có được chính sách bền vững hơn, phát huy được cả nội lực của khu vực miền núi cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chống tư tưởng trông chờ, ỉ lại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã trả lời phỏng vấn!

Theo Quochoi.vn