- Trả lời câu hỏi về "tự do học thuật trong giáo dục đại học Việt Nam", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói cần một không gian tự do, dân chủ nhưng không phải anh có thể mang tất cả những điều muốn nói ra nói được. 

Xem phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục
Xem phần 2: Đổi mới sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang người thầy

Nhà báo Hạ Anh: Liên quan tới các vấn đề về giáo dục thì câu hỏi gửi tới rất phong phú và đa dạng.

Chúng ta đã có nhiều câu hỏi đặt ra với các khách mời về giáo dục phổ thông và bạn đọc Nguyễn Đức Anh thì quan tâm tới vấn đề đào tạo và gửi câu hỏi cho Bộ trưởng: “Thưa Bộ trưởng, ngài có suy nghĩ gì về tự do tư tưởng và tự do học thuật tại Việt Nam? Đó có phải là điều kiện tiên quyết để hướng tới một nền giáo dục khai phóng, tạo ra những thế hệ người Việt Nam sống đúng với phẩm giá của mình?

Bộ có giải pháp gì để đổi mới thực sự và toàn diện việc quản lý GDĐH ở cấp trường bằng mô hình Hội đồng nhà trường để giao quyền tự chủ cho chính cộng đồng mà nhiều nước đã áp dụng rất hiệu quả?” (Nguyễn Đức Anh, 23 tuổi).

{keywords}

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trước hết, liên quan tới câu hỏi về tự do tư tưởng, tự do học thuật trong các nhà trường. Tôi xin trả lời thế này. Tự do luôn là một khát vọng cao nhất của nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.

Trước đây, khi đất nước chưa thống nhất thì Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã phải đổ xương máu để giành cho được độc lập và tự do. Đây là tự do của mỗi người dân và trong đó có cả tự do của nhà trường.

Nói như thế để hiểu rằng Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục đào tạo và cả xã hội chúng ta đang từng bước để hoàn thiện tự do. Nhưng điều quan trọng là quan niệm thế nào là tự do. Sự khác nhau là ở chỗ này. Có người hiểu tự do là muốn làm gì thì làm.

Tôi thì rất tâm đắc quan niệm của Ăng – ghen (Friedrich Engels), người bạn chiến đấu của Các – Mác (Karl Marx). Ăng – ghen nói rằng: “Tự do là tất yếu được nhận thức”. Tức là một sự bắt buộc phải làm nhưng mà anh hiểu là anh phải làm việc này, anh ý thức được anh phải làm.

Ví dụ anh là một người con trong gia đình thì anh phải có trách nhiệm với bố mẹ, với ông bà, với các em, các cháu. Anh là công dân, anh phải ý thức được trách nhiệm đối với đất nước. Anh là một con người sống trên hành tinh này thì anh phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Anh phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của anh, rồi anh hành động theo nhận thức đầy đủ về tất cả những chuyện đó thì lúc đó anh cảm thấy tự do. Tôi xin nhắc lại là tôi rất tâm đắc câu nói của Ăng – ghen: “Tự do là tất yếu được nhận thức”.

Trong nhà trường cũng vậy, cần một không gian tự do, dân chủ nhưng không phải anh có thể mang tất cả những điều muốn nói ra nói được.

Không thể nói những điều trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức, không làm cho việc giáo dục các cháu trở nên tốt đẹp hơn. Nếu anh lại đem những điều đồi bại với truyền thống dân tộc hay bị cả xã hội lên án để tuyên truyền thì không được.

Cho nên ở đây chúng ta phải thống nhất ở chuyện phải phấn đấu đến tự do nhưng tự do nhằm mục tiêu để xây dựng đất nước, nhằm mục tiêu để xây dựng con người và nhằm mục tiêu để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Còn bạn có nói đến Hội đồng quản trị nhà trường, thì Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực đã nói đến việc này rất kỹ và việc giao quyền tự chủ đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học thì đã được luật hóa. Và đã được chúng tôi, Bộ GD-ĐT triển khai rất quyết liệt. Tuy nhiên Hội đồng nhà trường cũng chỉ là một trong các giải pháp.

Nó không phải là một giải pháp duy nhất, càng không phải là một giải pháp tạo nên đột phá, mà chỉ là một trong tổng thế rất nhiều các giải pháp khác đang được triển khai.

Nhà báo Hạ Anh: Nếu không phải là Hội đồng nhà trường thì cái gì là giải pháp đột phá để mang lại tự do tư tưởng và tự do học thuật cho môi trường giáo dục đại học, thưa Bộ trưởng?

{keywords}

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi cũng nhiều năm là giảng viên, nhiều năm là quản lý ở khoa, ở bộ môn trong nhà trường, thì tôi cảm thấy không khí học thuật trong các trường là dân chủ, những ý kiến khác nhau được trao đổi. Thậm chí ý kiến trái ngược nhau được thảo luận để có thể đi đến thống nhất hoặc cũng có thể anh bảo lưu ý kiến của anh. Không sao cả.

Tôi không thấy có vấn đề gì nhiều liên quan đến vấn đề tự do trong sinh hoạt học thuật. Và tôi làm việc ở một trường kinh tế thuộc khối khoa học xã hội, cũng nhiều vấn đề nhạy cảm lắm. Ví dụ khi đó chúng tôi nói đến vấn đề phát triển kinh tế thị trường thế nào, mô hình phát triển ra sao, rồi chúng ta hội nhập thế nào, rồi những mặt trái của kinh tế thị trường, có cạnh tranh hay không, sức lao động có phải là hàng hóa không, trong thị trường của chúng ta có thị trường lao động không.

Đấy là những vấn đề cũng rất nhạy cảm vào thời điểm đó, nhưng đều được trao đổi rất thoải mái, thẳng thắn và đều được cảm nhận, tiếp nhận một cách rất trân trọng miễn là tất cả những ý kiến đó chúng ta đều xuất phát từ lợi ích chung của đất nước trong những thời điểm rất quan trọng.

Nhà báo Hạ Anh: Xin cảm ơn Bộ trưởng. Liên quan đến vấn đề này thì bạn Trần Văn Tuấn, 42 tuổi có gửi câu hỏi tới ông Christian Bodewig: “Ông có thể chia sẻ những bài học từ các nước khác về vai trò tự chủ của các trường học và ý nghĩa của nó đối với việc đào tạo con người?”

Ông Christian Bodewig: Bà Victoria vừa rồi cũng đã nói tới sự thiếu khớp nối giữa các thành tố khác nhau trong hệ thống. Ví dụ như có sự thiếu khớp nối giữa các doanh nghiệp và các trường ĐH. Và có một cách mà chúng ta có thể cải thiện để giải quyết sự thiếu ăn khớp đó là cải thiện hệ thống cung cấp thông tin.

Ví dụ chúng ta có thể cung cấp thông tin, những nhà tuyển dụng thì họ mong muốn người lao động có những kỹ năng gì hoặc chúng ta có thể cung cấp thông tin là hiện nay những nghề nào là những nghề đang phát triển, rồi những công việc nào hiện nay đang được tạo ra tức là có những cơ hội nghề nghiệp, công việc như thế nào v.v…

Trên những cơ sở thông tin ấy thì các trường đại học, cao đẳng hay là các trường dạy nghề họ sẽ có thể có những phản ứng lại để nắm bắt cơ hội chẳng hạn. Có một điều nữa thế này, đó là cho dù chúng ta có thông tin hoặc thông tin với chất lượng tốt nhưng cơ chế ra quyết định trong trường không cho phép có sự tự do hay tự chủ thì các trường sẽ không thể nắm bắt được cơ hội này hoặc có những phản ứng phù hợp trên cơ sở những thông tin mà họ nhận được.

Chúng ta phải đảm bảo được họ có quyền tự chủ. Ngoài ra họ phải có năng lực để đưa ra quyết định đó trong các trường ĐH. Một vấn đề chúng tôi cũng thấy trên thế giới cũng như các nước ở châu Á thì cũng thế thôi.

Trong các trường hợp các trường, các cơ sở giáo dục được trao quyền tự chủ cao hơn thì vấn đề về thiếu khớp nối ít nghiêm trọng hơn.

Kể cả ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy có một ví dụ tốt ngay cả trước khi ban hành Luật giáo dục đại học mới đây thì đã có những trường ĐH được giao quyền tự chủ như ĐH Đà Nẵng là một đại học khu vực ở Việt Nam.

Họ đã được giao quyền tự chủ trong việc ra quyết định và họ cũng đã xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp cùng tham gia vào để cho họ những lời khuyên về nội dung giảng dạy, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng day v.v…

Họ cũng hợp tác với các trường ĐH, các cơ sở giáo dục ở nước ngoài để cùng giúp xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu mới, cũng như phù hợp với nguyện vọng của sinh viên.

Như vậy, quyền tự chủ sẽ giúp cho các trường đại học có thể xây dựng được các nội dung giảng dạy, chương trình giảng dạy mà nó phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục

Phần 2: Cải cách sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang đãi ngộ người thầy

Phần 4: “Trận Buôn Mê Thuột” của giáo dục

Phần 5: "Tại sao người lớn chưa trưởng thành?"

  • VietNamNet