Mở đầu tham luận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lại lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946: “Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh, thì nước ta thịnh”. Lời dạy đó khởi đầu từ hai chữ “nông dân”.
Nhất quán quan điểm xuyên suốt này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách, khẳng định vai trò, vị thế của nông dân trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự bền vững, chỉ số tăng trưởng của ngành nông nghiệp, diện mạo, đổi thay tích cực của nông thôn, suy cho cùng, đều xoay quanh người nông dân.
Sao nông dân mãi nghèo?
Chia sẻ suy nghĩ cũng như góc nhìn về hàng chục triệu bà con nông dân, Bộ trưởng Hoan cho biết, trước Tết vừa qua, có nhà báo nêu câu hỏi với ông: “Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?”. Theo ông, không dễ để đưa ra câu trả lời chuẩn xác.
So với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản.
Tuy nhiên, chỉ số thu nhập bình quân khó phản ánh hết sự bấp bênh trong sinh kế của phần lớn nông dân hay sự chênh lệnh thu nhập giữa các vùng sinh thái, giữa trồng lúa, trồng rừng với canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác…
Một lão nông vùng miền Tây sông nước từng bày tỏ: “Tại sao cũng cùng làm nghề nông, mà nông dân ở các nước khác có mức sống khá giả, trong khi nông dân quê mình cần cù, chịu thương, chịu khó, sao mà vẫn nghèo khổ, cơ cực quá?”. Đây là câu hỏi gợi mở ra nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đất đai chỉ phát huy giá trị khi người sử dụng đất đủ năng lực tối đa hoá giá trị của đất. Theo số liệu từ khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi ha mỗi năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2-3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản, và tất yếu là đất sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị nội sinh thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác.
Ngoài yếu tố khách quan do lợi thế so sánh giữa các khu vực kinh tế, mức chênh lệch đó còn cho thấy giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo ra giá trị thặng dư từ đất. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp rất thấp như chúng ta thường đánh giá, trăn trở.
Thực trạng đó còn khiến cho gần 85% diện tích đất tự nhiên hiện là đất nông nghiệp, trong đó khoảng 30% đã bị thoái hoá. Nhưng đất đai dù có chai cằn thì vẫn là sinh kế của hàng chục triệu nông dân.
Hiện nay, trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua trí thức hoá.
Theo ông, ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý, điều hành sản xuất được quan tâm sát sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những vụ mùa bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời…
Vậy mà, điệp khúc buồn “được mùa, mất giá” cứ khiến người sản xuất thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. Nông sản dư thừa, lúa thóc đầy đồng, lợn gà đầy chuồng, cá tôm đầy ao, nhưng không đưa ra được thị trường.
Câu chuyện “giải cứu nông sản” lại được nhắc đến, kèm theo nhận định chua xót về thực trạng “nông nghiệp từ thiện” chưa có lời giải thoả đáng. Tình trạng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu tiếp tục gây xôn xao. Thu nhập của người nông dân vốn đã ít ỏi, cứ thế lại bị bào mòn thêm, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp cận công nghệ mới
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng chia sẻ, “biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng” đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi, để thích ứng tốt hơn với một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân - những người trực tiếp hàng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản.
Không phải ngày một ngày hai, không thể tự dưng mà người nông dân “chân lấm tay bùn” bỗng chốc “rũ bùn đứng dậy sáng loà” để đảm nhận ngay vai trò chủ thể, vị thế trung tâm. Muốn vậy, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” - làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.
Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định, phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Cùng với đó, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. “Trí thức hoá nông dân” là yêu cầu bắt buộc.
Cùng với kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, những “lão nông tri điền” ngày nay còn có thể “trông vào các thiết bị thông minh”, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích luỹ từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức “đám mây”, kết nối “dữ liệu số” có thể giúp tạo nên những “nhà khoa học chân đất”, khởi tạo giá trị mới.
Cũng theo Bộ trưởng, lan toả tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể xem là bổn phận, là trọng trách, trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu.
Những cuộc gặp gỡ thân tình có thể truyền đạt kiến thức làm giàu. Những buổi sinh hoạt cộng đồng có thể gợi mở chuyên đề giới thiệu thông tin thị trường, quy luật kinh tế phổ thông, hướng dẫn kỹ năng hữu ích. Những chương trình khuyến nông trên báo đài không chỉ khuyến khích người nông dân sản xuất, mà còn giới thiệu với người nông dân cách thức tiết giảm, tối ưu chi phí sản xuất.
Có như vậy, nghề nông từng bước được tích luỹ hàm lượng tri thức một cách bài bản, chuyên nghiệp, để người nông dân ngày càng tự tin, tự hào về một nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường, chuẩn mực về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn.
“Trí thức hoá nông dân” là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân trở thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình.
Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đồng thời, người nông dân biết tối ưu hoá quy trình sản xuất, tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận.
Làm giàu cho nông dân
Chia sẻ khát vọng làm giàu cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lời một vị lãnh đạo: “Tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu là tiền vô hạn”.
Theo ông, “làm giàu” cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.
“Làm giàu” cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế. Giúp người nông dân hiểu rõ sức mạnh của “mua chung - bán chung”, của tinh thần “hợp tác - liên kết”, để chủ động tham gia vào các mô hình, tổ chức kinh tế tập thể mà nồng cốt là hợp tác xã.
“Làm giàu” cho nông dân, ở đây chính là giúp người dân tiếp cận và thấu hiểu kiến thức về gìn giữ môi trường, về bảo vệ sức khoẻ, trước hết là của chính mình, của người tiêu dùng, và của cộng đồng.
“Làm giàu” đời sống tinh thần cho nông dân là khơi gợi ở người nông dân thái độ sống tích cực, sẵn lòng đón nhận sự thay đổi.
“Nông nghiệp là sinh mệnh. Nông thôn là tương lai”. “Không có nông dân. Không có lương thực. Không có tương lai”. Đây là những thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của “nông nghiệp - nông dân - nông thôn” từ chính các quốc gia tiên tiến có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển vượt bậc.
Trong tựa sách “Tương lai sau đại dịch Covid”, có ý kiến nhận định rằng: “Khi mọi người tranh luận xem ngành nào là thiết yếu và không thiết yếu, thì có một điều không cần phải tranh cãi: Nông nghiệp. Bởi lẽ, Nông nghiệp đạt đủ các chuẩn mực của một ngành thiết yếu. Không có thức ăn chúng ta không có gì cả. Tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhất là sản phẩm tươi sống khuyến khích nhiều người quan tâm tham gia vào nghề nông, vào lĩnh vực nông nghiệp”.
Bộ trưởng nêu câu hỏi: Vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Theo ông, mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định - trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản, là một gợi mở thú vị. Tại ngôi trường lý thú này, học sinh được ngửi đất, bắt sâu, làm bánh mỳ từ gạo…
Triển khai mô hình này, điều quan trọng không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà hơn hết là vun bồi, hun đúc cho học sinh tình cảm, khát vọng trở thành những người nông dân chuyên nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản, kỹ sư nông nghiệp thực hành, nhà nông học lành nghề, yêu nghề trong tương lai, những người làm nông nghiệp bằng cả tinh thần văn hoá và trách nhiệm xã hội như các quốc gia tiên tiến đã thực hiện từ mấy mươi năm trước.
Khi ấy, nghề nông sẽ thoát khỏi lời nguyền “không biết làm gì thì làm nông”, không còn “mặc định” qua hình tượng áo nâu, đầu vấn khăn rằn, tay cầm bó lúa. Khi ấy, người nông dân buổi sáng có thể mặc chiếc áo màu nâu của đất, buổi chiều mặc chiếc áo màu xanh của nhà máy chế biến và buổi tối có thể mặc chiếc áo màu trắng của trí thức, thương nhân, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió thị trường.
"Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có đội ngũ nông dân được chuyên nghiệp hoá. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức trong nền kinh tế tri thức, người nông dân phải được trí thức hoá", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.
Tâm An lược ghi
Chúng ta thường nói lót ổ để đón đại bàng chứ ít nói đến chim sẻ. Tân Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, phải xem cả hai quan trọng như nhau, bởi chim sẻ hợp lại sức mạnh sánh ngang đại bàng.