Ngày 15/1/2016, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ, để ghi dấu những giai đoạn lịch sử quan trọng, những dấu mốc phát triển mà Ngành thực hiện theo tư tưởng chỉ đạo của Người, Bộ TT&TT đã tổ chức triển lãm trưng bày phối hợp giữa hệ thống tem, sưu tập hình ảnh và hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Bưu điện theo 4 mảng nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Bưu điện Bờ Hồ; chuyên đề Tem Bưu chính cách mạng Việt Nam; chuyên đề Hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyên đề ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Ngành Bưu điện.

Tại buổi lễ kỷ niệm này ông Châu Văn Huy, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội, Anh hùng Lao động năm 1962 và là người chế tạo chiếc máy điện thoại cho bác Hồ cho biết, những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Bưu điện rất thiếu thốn thiết bị vì hệ thống điện thoại cũ tiếp quản của Pháp. Vì vậy, anh em cán bộ Bưu điện đã phải đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến để vận hành hệ thống này. Lúc đó, anh em Bưu điện luôn nghi nhớ lời bác dạy, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” nên anh em đã quyết tâm vượt qua khó khăn này.

Phát biểu tại buổi lễ này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, cách đây 70 năm, ngày 17/1/1946, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, cả nước dốc sức bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Bác Hồ đã dành thời gian riêng một mình đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với công tác giao thông, thông tin, liên lạc. Những lời gần gũi của Bác Hồ không chỉ khích lệ hàng vạn cán bộ công nhân viên toàn ngành Bưu điện nói chung và Bưu điện Trung ương Bờ Hồ nói riêng nỗ lực cống hiến công sức, đóng góp vào thành công của cuộc kháng chiến, mà còn chỉ ra đường hướng cho Ngành trong suốt chặng đường phát triển sau này.

“Điều đặc biệt là, tư tưởng lớn đối với sự phát triển lâu dài của Ngành luôn được Người thể hiện một cách giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào đời sống. Khẳng định vai trò không thể thiếu của thông tin liên lạc, Bác nói: “Thông tin liên lạc là dây thần kinh, là mạch máu con người". Khi đưa ra yêu cầu có tính nguyên tắc đối với chuyên môn của ngành, Bác tổng kết: "Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn". Bởi vậy, trong mỗi giai đoạn khó khăn của Ngành, tư tưởng của Bác Hồ luôn là kim chỉ nam để các thế hệ lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tìm ra giải pháp vượt qua thử thách, đảm bảo sự phát triển bền vững” Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện đứng trước nhiều thách thức lớn như: cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ công nghệ lạc hậu, vốn cho đầu tư phát triển hạn hẹp, cơ chế chính sách thiếu động lực cho phát triển, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hạn chế ... Trong khi đó, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi mức độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế rất cao. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Lãnh đạo ngành Bưu điện đã xác định, Bưu chính Viễn thông là nền tảng phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, cần táo bạo đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, bỏ qua công nghệ trung gian; vượt qua cấm vận bằng sự mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ quốc tế, đa dạng hoá các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ, phá bỏ độc quyền...

Cũng tại buổi lễ này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là thực hiện tốt những di huấn của Người đối với Ngành.

Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành cần tập trung phát triển bưu chính, viễn thông, công nghiệp CNTT, coi đây là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, trọng điểm, hạ tầng của hạ tầng, đóng góp tỷ trọng lớn cho tăng trưởng GDP của đất nước. Bên cạnh đó, phải phát triển nguồn nhân lực CNTT - TT, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, coi đây là yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược và tiếp tục ứng dụng CNTT có hiệu quả trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội.

“Toàn ngành phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái cấu trúc lĩnh vực BCVT, tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước, phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp cho các cấp, các ngành và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước, thế giới, những thuận lợi, khó khăn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội” Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.