Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. |
Chiều ngày 25/6/2019, Bộ TT&TT tổ chức buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới với đại diện của các bộ, ngành, công ty dịch vụ quảng cáo, những doanh nghiệp lớn có sản phẩm quảng cáo, các đối tác quản lý mạng lưới đa kênh của YouTube, một số nền tảng nội dung mạng xã hội lớn của Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, loài người đang chứng kiến một sự chuyển đổi vĩ đại, từ thế giới thực vào thế giới ảo, thế giới số, hay không gian mạng. Cuộc sống đi vào thì nhanh hơn nhưng pháp luật đi vào chậm hơn, văn minh trên không gian mạng cũng mới là bước đầu. Chính sự lệch pha này làm nảy sinh nhiều vấn đề, nguy cơ. Chúng ta đang cùng sống, cùng thở trên không gian mạng. Giữ cho không gian này lành mạnh, không ô nhiễm là nhiệm vụ của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội và đất nước. Không thể có chuyện doanh nghiệp thì thịnh vượng còn đất nước thì lụn bại đi.
Các doanh nghiệp, dù là trong nước hay nước ngoài, đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng, hoà bình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc cởi mở, lắng nghe các ý kiến phát biểu, hiến kế để làm sao có thể dọn rác trên không gian mạng, để ngăn chặn các clip có nội dung độc hại không còn ảnh hưởng tới người xem. Đồng thời, cũng đưa ra công cụ, giải pháp để ngăn chặn, không tái diễn tình trạng quảng cáo của các doanh nghiệp, nhãn hàng bị gán trên những clip có nội dung xấu độc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan. Đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng.
“Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào, doanh nghiệp mà muốn đi xa thì phải tử tế”, Bộ trưởng phát biểu.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đang có một khát vọng lớn lao trở thành nước công nghiệp phát triển, thịnh vượng vào năm 2045. Đây là khát vọng Việt Nam hùng cường, sánh vai cường quốc năm châu. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải mang trong mình khát vọng này. Sứ mạng của doanh nghiệp cũng phải là sứ mạng quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam phải gương mẫu tuân thủ luật pháp Việt Nam để đất nước phát triển.
Bộ trưởng cũng kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. “Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp. Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khoa học, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn nội dung xấu độc. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Nói về việc ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc, Bộ trưởng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ TT&TT để giải quyết việc này”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, buổi làm hôm nay là một khởi đầu hợp sức quan trọng. Việc các doanh nghiệp trong nước ngồi với nhau sẽ giúp chúng ta giải quyết bài toán của mình, chỉ có chúng ta mới có thể giải quyết được bài toán mới trên không gian mạng. Hợp sức, đồng thuận thì làm gì cũng được, vì chúng ta có luật pháp trong tay, có chính quyền trong tay, có lực lượng trong tay.
Số phận của cả đất nước, tương lai con cháu chúng ta thì không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó, của một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định. Hôm nay, chúng ta ngồi đây là để bàn về cách làm cho không gian sống của chúng ta trong không gian mạng trong lành, tìm cách tiếp cận mới cho các vấn đề khó.
Bộ trưởng cũng đề cập đến những công cụ để quét rác trên không gian mạng. Theo đó, để quét rác thì phải lưu ý đến ba việc. Đó là, mỗi người không xả rác, quét rác nhà mình, pháp luật phải có qui định xử lý người xả rác, làm ra các nội dung xấu độc. Thứ hai, doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp, không được chối cãi, giống như chủ chợ thì phải quét rác. Thứ ba, chính quyền phát hiện phần còn lại và yêu cầu giũ bỏ. Phần chính sẽ là do người dùng và nhà mạng, 95-99% phải được dọn dẹp bởi 2 đối tượng này. Chính quyền chỉ làm phần nhỏ còn lại.