Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin - viễn thông tại TP.HCM hôm 16/7.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong buổi gặp với giới công nghệ thông tin - truyền thông phía Nam - Ảnh: Hải Đăng |
Trong buổi nói chuyện, một người làm việc tại Intel cho biết, bà đã hỗ trợ khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam để sản xuất máy tính thương hiệu Việt. Song ngoại trừ các doanh nghiệp Việt có tên tuổi, máy tính sản xuất bởi các doanh nghiệp nhỏ không được thị trường đón nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cho rằng hiện nay, ngay cả “một ông mới ra trường” cũng có thể làm được máy tính Việt Nam và cũng có nhiều doanh nghiệp có thể đặt hàng để sản xuất được smartphone. Tuy nhiên, làm sản phẩm thì cái xác định lớn nhất là phải bán được. Làm công nghệ mà sản phẩm của mình không bán được thì sản phẩm của mình có vấn đề.
“Kể cả máy bay không người lái bây giờ cũng có thể sản xuất được, nhưng vấn đề có bán được hay không, có cạnh tranh được hay không? Đây không phải vấn đề hàng Việt đâu mà vì chúng ta chưa tạo được giá trị. Người Việt mình chưa mua là vì sản phẩm chưa tốt hoặc tiếp thị kém” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một khi sản phẩm đã tốt, có thể bán ra cho người dùng, cần hỗ trợ để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế thì Bộ TT&TT và Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ. Ông cho rằng các chính sách hỗ trợ ngay từ ban đầu khi doanh nghiệp chưa tạo được sản phẩm có thể làm “hư” doanh nghiệp. Thị trường khó khăn, khách hàng khó tính mới tạo ra được sản phẩm tốt, tạo ra người lãnh đạo doanh nghiệp giỏi.
“Trước đây chiếc máy tính muốn hoạt động thì phải có quạt làm mát. Quạt quay tạo tiếng động ồn ào khó chịu. Nếu doanh nghiệp Việt tạo ra được chiếc máy tính không cần quạt thì không chỉ người Việt mà cả thế giới sẽ mua”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Tuy vậy, cuối cùng hãng giải quyết vấn đề quạt máy tính lại chính là Apple và khách hàng lại dồn tiền mua máy tính hãng này. Do đó, cần tạo ra một sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng, một sản phẩm có tính cạnh tranh cao thì chắc chắn thị trường sẽ đón nhận.
"Những cái mới thì cần phải thí điểm trong phạm vi hẹp để tìm chuẩn mô hình"
Trong buổi gặp gỡ này, một đại biểu cũng nêu vụ kiện kéo dài giữa Grab và các hãng taxi, cho rằng tư duy làm luật của Việt Nam vẫn theo kiểu cũ, không kích thích cái mới phát triển.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Hệ thống luật pháp này dành cho 100 triệu người. Cái mới thì dành cho 5 người, sau đó 10 người, 20 người, sau đó mới mở rộng ra. Nếu thay đổi hệ thống luật pháp của 100 triệu người phục vụ 100 người thì tốt hay không tốt?”. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, luật pháp sinh ra để tạo sự ổn định. Những cái gì mới thì cần phải thí điểm, ban đầu thí điểm trong phạm vi hẹp, sau khi đã chuẩn mô hình và có thể mở rộng thì sẽ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận. Đây là lý do vì sao Bộ TT&TT đang xây dựng quy định về Sandbox trong quá trình chuyển đổi số. Đây là mô hình giúp thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ mới trong phạm vi hẹp trước khi mở rộng ra toàn thị trường.
“Kể cả không có Sandbox thì chúng ta có thể thử nghiệm ở doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ để sản phẩm, dịch vụ được chứng minh, sau đó chúng ta sẽ sẽ áp dụng quy định luật pháp sau”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.