XEM CLIP:

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, vụ việc thứ nhất, trước tình hình mưa lũ ở Thừa Thiên Huế, theo đề nghị của tỉnh, Bộ Quốc phòng cử các chiến sỹ hành quân để tìm kiếm cứu nạn giúp dân, đến tối khi đoàn dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67 (lối vào thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế) đến rạng sáng thì núi bị lở.

Trong số 13 người hy sinh, có 11 chiến sỹ hy sinh trong thi hành nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. "Sau khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết chính sách cho các chiến sĩ, được dư luận rất đồng tình", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.

Về việc giải quyết chế độ, chính sách cho 22 cán bộ, chiến sỹ hy sinh ở đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Hướng Hóa, Quảng Trị), Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, những chiến sỹ này được tặng thưởng huân chương, thăng quân hàm. Đối với gia đình các chiến sỹ nếu vợ, con chưa có việc làm thì Bộ Quốc phòng sẽ bố trí việc làm phù hơp trong quân đội.

Bộ Quốc phòng cũng đã báo cáo Thủ tướng đề nghị, nếu trường hợp nguyện vọng của gia đình không phù hợp ngành nghề trong quân đội thì Thủ tướng sẽ giao các bộ, ngành tạo điều kiện bố trí việc làm phù hợp hơn. 

{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trả lời bên hành lang Quốc hội chiều nay. Ảnh: Ngọc Thắng

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thông tin thêm, các đoàn Kinh tế - quốc phòng đều đóng quân ở những vùng sâu, vùng xa. "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rằng những nơi khó khăn nhất quân đội đều có mặt, nên những đồng chí ở đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 là trong vùng đặc biệt khó khăn".

Nơi đây trong chiến tranh bị rải chất độc hóa học để lại hậu quả lớn, nhưng các cán bộ, chiến sỹ vẫn sẵn sàng chấp nhận đến đóng quân làm nhiệm vụ dù sau này có thể ảnh hưởng đến họ và con cháu.

Theo Bộ trưởng, những đoàn kinh tế quốc phòng cùng với Bộ đội biên phòng trấn ải các vị trí tạo thành phên dậu bảo vệ đất nước. Thiên tai xảy ra vượt quá khả năng con người có thể dự báo nên đã xảy ra vụ việc như vậy.

"Vừa rồi Bộ Quốc phòng ra chỉ thị, căn cứ tình hình giao chỉ huy các đơn vị tổ chức sơ tán bộ đội, đảm bảo an toàn cho mình ở những vùng nguy hiểm. Hai là trong điều kiện địa phương, nhân dân yêu cầu thì sẵn sàng hi sinh bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.

Về việc có nên dùng trực thăng để cứu hộ nhanh hơn cho nhân dân vùng lũ hay không, Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện phương tiện hiện nay, trừ trường hợp không thể tổ chức cho người và phương tiện đi đường bộ bình thường vào thì phải huy động trực thăng để tiếp tế lương thực cho các vùng và nhân dân bị cô lập do bão lũ.

Hiện nay Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, máy bay trực thăng ở Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế).

"Tỉnh Quảng Trị nếu có yêu cầu, trong điều kiện thời tiết tốt thì trực thăng mới cất cánh làm nhiệm vụ được, cần đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Ở phía Bắc cũng có lực lượng ở Gia Lâm sẵn sàng được huy động để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nhân dân", Bộ trưởng Quốc phòng cho hay.

Thu Hằng - Thành Nam

Lời hứa dang dở của chiến sỹ bị vùi lấp ở Quảng Trị

Lời hứa dang dở của chiến sỹ bị vùi lấp ở Quảng Trị

“Cường ơi con hứa về thăm mẹ và vợ con sao không giữ lời. Ngoài kia lạnh không con", mẹ của chiến sỹ Lê Cao Cường (quê Nghệ An) khóc gọi tên con.