Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ ngày 22/8 - 4/9, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội đã ghi nhận 169.703 ca mắc Covid-19.
“Số bệnh nhân mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 1 tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng, riêng TP.HCM tăng 9.835 ca (31%)”, Bộ trưởng báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch với các địa phương do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều 5/9.
16 tỉnh thành còn lại ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau.
Trong đó, có 8 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa, tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục 14 ngày qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 23 địa phương trên được chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1: đang kiểm soát tốt dịch bệnh, gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên.
Nhóm 2: đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch, gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Nhóm 3: cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể thực hiện được tiêu chí kiểm soát dịch, gồm 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh: Nhật Bắc |
Bộ trưởng cho hay, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến dịch và điều kiện thực tế của nước ta. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường. Vì vậy, các địa phương vẫn cần tiếp tục cầu thị, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện. Tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Vấn đề xét nghiệm đang tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tuần qua, cả nước thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho hơn 7 triệu lượt người. Tính đến ngày 4/9, tổng số xét nghiệm PR-PCR đã thực hiện vượt 42 triệu lượt người.
Các địa phương tăng cường giãn cách xã hội đẩy mạnh test nhanh trên diện rộng, trong đó Bình Dương đã thực hiện cho 4,5 triệu lượt người; TP.HCM hơn 3,3 triệu lượt người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người; Long An hơn 1 triệu lượt người.
Về công tác điều trị, giảm tử vong, Bộ Y tế đã huy động tổng lực cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam; điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược; trên 2.000 cán bộ y tế địa phương; lực lượng y tế công an, quân đội…)
Bộ Y tế cũng phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3. Kết quả này đến từ việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam, riêng TP.HCM có 6 Trung tâm) kết hợp mở rộng và nâng cao năng lực các tầng điều trị, tăng cường hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến và triển khai điều trị tại nhà.
Về vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cả nước đã thực hiện tiêm được 21,5 triệu liều vắc xin, đạt gần 30% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, có hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Đến ngày 4/9, số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin tại 2 địa phương lớn nhất cả nước như sau: Hà Nội (trên 3 triệu liều, đạt 52,7%) và TP.HCM (trên 6 triệu liều, đạt 88,0%).
Triều Dương
Bộ Y tế: 6 giải pháp giảm tử vong ở các tỉnh thành phía Nam
Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện một số biện pháp để tăng cường hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19.