Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thuộc Phòng Văn hoá thông tin cấp huyện, trung tâm Văn hoá - Thông tin truyền thông cấp huyện và cán bộ Đài truyền thanh cấp xã của tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Quang Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT cho biết, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, song thông tin cơ sở vẫn là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền không thể thiếu.

Ông Phạm Quang Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị.

Bộ TT&TT luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trong thời gian qua đã tích cực tuyên truyền, thông tin góp phần nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của nguồn lực biển trong phát triển kinh tế, nội dung, mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị.

“Hội nghị lần này nhằm trang bị, bổ sung thêm những thông tin về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước; Quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Về cách lựa chọn và khai thác thông tin, xây dựng bản tin theo xu hướng hiện đại nhất là đối với cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã trong công tác thông tin, tuyên truyền nói chung, tuyên truyền biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở tỉnh Bình Định”, ông Phạm Quang Hưởng nói.

“Công tác tuyên truyền là một trong những công tác quan trọng, mạng lưới thông tin cơ sở là mạng lưới sát dân nhất. Buổi tập huấn sẽ giúp cho cán bộ tuyên truyền nắm được những thông tin, hiểu rõ những quyền, lợi ích, tiềm năng lợi thế của Việt Nam trên biển Đông, hiểu được lợi thế vượt trội, thách thức cơ bản của Việt Nam và xu thế phát triển trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận.
 

Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 3.260km; khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Theo Công ước Liên hợp quốc và Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên, các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2, lớn hơn rất nhiều so với đất liền. Không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú với giá trị khai thác lớn, kinh tế nước ta còn giữ nhiều vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng.

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển.

Diễm Phúc