Sáng ngày 29/6, Hội nghị tập huấn “Hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần về thông tin và truyền thông thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020” do Bộ TT&TT chủ trì đã khai mạc tại nhà khách Bộ Tài chính (T.P. Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đóng vai trò rất quan trọng, là công cụ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp các thông tin thiết yếu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, gương điển hình của các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc tại hội nghị |
Vai trò này càng quan trọng đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là những khu vực khó khăn, đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan quan tâm, ưu tiên thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn, đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bước vào thời kỳ kế hoạch 2016 - 2020, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, cơ chế về phát triển nông thôn và giảm nghèo. Quốc hội Khóa XIII đã có Nghị quyết số 100/2012015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư 02 Chương trình MTQG là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT thấy rằng hiện trạng khó khăn, thiếu thốn về nguông nhân lực, cơ sở vật chất và nội dung thông tin ở cơ sở (nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) đang là vấn đề cần được sự quan tâm của Nhà nước để có giải pháp khắc phục.
Vì vậy, phát huy kết quả đạt được của Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011 - 2015, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng chính sách và đề xuất các nội dung, dự án thành phần về lĩnh vực thông tin và truyền thông vào các Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016. Đối với chính sách giảm nghèo bền vững, thông tin được xem là 1 trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản trong phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều để nhà nước quan tâm có chính sách khắc phục sự thiếu hụt về thông tin.
Toàn cảnh hội nghị tập huấn |
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành trung ương đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG, như: Hướng dẫn thực hiện tiêu chí về xã nông thôn mới; Cơ chế điều hành, quản lý các chương trình MTQG; Cơ chế quản lý về chế độ tài chính của các Chương trình; Các quy định về thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của các Chương trình; Chế độ báo cáo, giám sát, đánh giá Chương trình; ....
Nhằm giúp các địa phương tổ chức, triển khai có hiệu quả 2 Chương trình MTQG trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TTTT phối hợp các Bộ KHĐT, Tài chính, NN&PTNT, LĐ-TB-XH tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện các nội dung, dự án thành phần về thông tin và truyền thông trong các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được các giảng viên đại diện các Bộ: KHĐT, Tài chính, LĐ-TB-XH, NN&PTNT, TTTT giới thiệu, hướng dẫn các nội dung về: Cơ chế điều hành, quản lý các Chương trình MTQG; cơ chế tài chính thực hiện các Chương trình liên quan đến thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông để việc thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương được thống nhất, đúng quy định.
Tại Hội nghị, ông Phạm Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, các chủ trương chính sách về thông tin và truyền thông luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Do đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin qua hệ thống đài phát thanh và truyền hình, đài truyền thanh cơ sở; tổ chức các cuộc đối thoại về chính sách, xây dựng các pano, giới thiệu về chương trình giảm nghèo...
Hiện nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hóa có hệ thống đài truyền thanh, 16/27 huyện, thị, thành phố có trạm phát lại truyền hình với trên 50 trạm; 635/635 xã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở đáp ứng được công tác thông tin tuyên truyền.
Theo kế hoạch, Hội nghị tập huấn Hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần về thông tin và truyền thông thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày 29-30/6.
Lê Anh