Bộ TT&TT sẽ tiến hành đấu thầu băng tần 2.6Ghz ngay sau Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Internet |
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2020 tổ chức ngày 6/1/2020.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số (Bộ TT&TT) cho biết, Cục đã tiến hành họp với đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, trong đó Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đề nghị chuẩn chỉnh văn bản hợp quy trước khi thực hiện.
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Cục Tần số cần họp và thống nhất sớm với các đơn vị giải quyết các thủ tục liên quan trước dịp Tết Nguyên đán để có thể tiến hành đấu thầu băng tần 2.6 Ghz ngay sau đó. “Bộ TT&TT cần xác định đây là việc của mình, nếu không sẽ tiếp tục chậm trễ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 20/6/2020.
Ngày 26/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cấp thêm băng tần, nâng chất lượng, dịch vụ mạng 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.
Ngày 30/12/2019, Viettel đã được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm tần số mới 2.6 GHz tại 12 tỉnh, thành tại Việt Nam. Điều này giúp Viettel tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch năm nay.
Viettel cho biết, trước đây, để phục vụ nhu cầu 4G với hơn 38.000 trạm trong bối cảnh thiếu tài nguyên tần số, Viettel đã phải tối ưu toàn bộ băng tần 1.800Mhz của mạng 2G và một phần băng tần 2.100 MHz của mạng 3G. Trong bối cảnh ấy, tần số 2.6 GHz trở thành tài nguyên quan trọng nhất hiện nay để Viettel đảm bảo chất lượng mạng 4G thực sự vượt trội so với 3G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn. Tại các khu vực có tần số mới, tốc độ mạng 4G của Viettel sẽ cao gấp 2 lần so với hiện tại.