Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải phát triển công cụ giám sát không gian mạng Việt Nam. |
Trong buổi họp để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới tại Bộ TT&TT vào chiều 25/6/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra yêu cầu đối với các công ty công nghệ Việt Nam phải nghiên cứu, phát triển ra các công cụ giám sát không gian mạng Việt Nam. Bộ trưởng giao cho Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An toàn Thông tin phải phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước để nhanh chóng phát triển ra các công cụ này.
Chặn lọc nội dung xấu trên YouTube không thể trông chờ vào lòng tốt của Google
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề nhỏ mà chính là công cụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải đầu tư, phải tự làm. Phải có niềm tin là Việt Nam bảo vệ được Việt Nam. Để quản lý được là phải nhìn thấy được, nếu như làm doanh nghiệp Việt Nam làm được công cụ giám sát này thì cơ quan quản lý, các đại lý quảng cáo sẽ biết được kênh nào sạch, chỗ nào sạch để đưa quảng cáo của doanh nghiệp Việt Nam lên đó. Với nội dung rác, nội dung xấu độc trên mạng xã hội, ngay cả Mỹ cũng không có công cụ chặn lọc nội dung xấu, mà chỉ trông mong vào biện pháp xử lý của Google. Nhưng với Việt Nam đây là việc lớn nên không thể trông chờ vào lòng tốt của Google được”.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng nêu ra vấn đề rất nghiêm trọng hiện nay, đó là: Các đại lý quảng cáo của YouTube và Facebook không thể quản lý chặt chẽ được nội dung các video mà tất cả do Facebook và YouTube quản lý. Dẫn đến tình trạng hàng trăm nhãn hàng, thương hiệu lớn của Việt Nam bị gán banner quảng cáo trên các video có nội dung chống phá nhà nước, mà thậm chí ngay các nhãn hàng này cũng không hề biết hình ảnh của mình lại xuất hiện trên các video này. Chỉ đến khi cơ quan nhà nước rà quét, cảnh báo, các nhãn hàng mới biết được.
Đại diện công ty quảng cáo có thị phần lớn nhất Việt Nam là WPP cho rằng, các đại lý quảng cáo không có cách nào để nhận ra các video nào có nội dung tốt, video nào có nội dung tốt trên YouTube. Do không thể nào kiểm tra thủ công hàng ngày, do đó việc cần có công cụ kỹ thuật để kiểm tra nội dung trên mạng xã hội là rất cần thiết. Do đó đại diện WPP đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cần chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển công cụ rà quét nội dung video để hỗ trợ ngành quảng cáo trực tuyến.
“Muốn quét rác được thì đầu tiên phải nhìn ra rác đã, rồi mới ra tay dọn dẹp được”, đại diện WPP cho biết.
Novaon hiến kế để ngăn chặn nội dung xấu trên YouTube, Facebook
Mặc dù đại diện một số doanh nghiệp cho rằng việc quét hệ thống của YouTube để đọc được nội dung các video là rất khó khăn, thậm chí là không thể làm được, do Google có hệ thống để chặn. Với tính năng đề xuất video cho từng người xem thì công cụ chặn lọc cũng không biết chính xác thời điểm đó họ cung cấp video có nội dung gì người dùng, nội dung tốt hay là không tốt. Vì dựa theo thói quen của người xem, YouTube sẽ đưa ra đề xuất các video phù hợp. Với mỗi người họ sẽ đề xuất một loại nội dung khác nhau, nên không thể nào giả lập người dùng để xem nội dung video trên toàn thế giới được. Do đó, người ngoài sẽ khó chặn lọc clip mà chính YouTube phải là đơn vị chặn lọc.
Đối với việc đưa quảng cáo vào các video cũng vậy, YouTube tự động phân phối banner vào những vùng còn trống banner, nên nhiều khi khách hàng yêu cầu đưa quảng cáo vào kênh tốt, nhưng thực tế video nào trống banner họ tự động đưa vào, dẫn đến việc các video nhảm nhí, sai phạm vẫn có banner xuất hiện.
Tuy nhiên một doanh nghiệp lại khẳng định có thể đưa ra biện pháp để chặn lọc các video có nội dung xấu. Theo ông Nguyễn Minh Quý, CEO của Novaon trong con số thống kê có 55.000 clip có nội dung vi phạm, cái gốc để tạo ra nội dung xấu này là các nhà sáng tạo nội dung xấu. YouTube hiện không chủ động để làm cho các nội dung xấu biến đi thì chúng ta vẫn có hai cách để làm. Một là cách xử lý offline, đó là tìm kiếm, phát hiện những người làm ra nội dung xấu, những người này là vi phạm pháp luật, thì công an có thể xử lý bắt người làm nội dung xấu vì họ phạm pháp luật, những người làm nội dung xấu không được phép tồn tại. Nếu chính quyền có biện pháp xử lý thật nặng thì dần dần những người làm nội dung họ sẽ không dám làm nội dung vi phạm nữa.
Theo ông Nguyễn Minh Quý, CEO của Novaon trong con số thống kê có 55.000 clip có nội dung vi phạm, cái gốc để tạo ra nội dung xấu này là các nhà sáng tạo nội dung xấu. |
Với biện pháp xử lý online, ông Nguyễn Minh Quý tin rằng vẫn có thể làm cho tin đó biến đi được bằng cách đưa thuật toán tìm và báo cáo (report) đó là tin xấu. Các mạng xã hội đều có tính năng cho phép người dùng báo cáo, nếu tin xấu nhận được bao nhiêu report xấu, lập tức nó sẽ biến mất. Động lực của người tạo ra các tin xấu là để câu view, để kiếm tiến, nếu video của họ bị xóa, không kiếm được tiền nữa thì họ sẽ không làm ra các nội dung có nguy cơ bị xóa nữa.
“Chỉ cần lực lượng nhân viên theo dõi các tin xấu, hoặc tạo ra công cụ phát hiện và report các nội dung xấu và xóa các tin có nội dung xấu đó, hai biện pháp này đều có thể làm được. Các đại lý quảng cáo hoàn toàn không thể can thiệp được vào việc chặn lọc nội dung trên YouTube, mà cách giải quyết tận gốc là hai đối tượng: nhà sáng tạo nội dung xấu và nội dung xấu. Novaon dự kiến trong thời gian tới sẽ cho ra mắt sản phẩm BrandSafe nhằm giúp các doanh nghiệp lọc bỏ quảng cáo khỏi những nội dung xấu", ông Quý cho hay.