Quảng cáo của các nhãn hàng xuất hiện trong các video có nội dung phản động. |
Như ICTnews đã đưa tin, chiều ngày 7/6/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố một loạt các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và YouTube.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của chiều hướng gia tăng này là do cả 5 chủ thể tham gia vào hoạt động trên Google và YouTube đều có các sai phạm.
Cụ thể, qua quá trình theo dõi, rà soát Cục PTTH&TTĐT nhận thấy các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: YouTube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; Những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng YouTube, Google; Những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).
Hiện có khoảng 6.000 kênh YouTube tiếng Việt do các MCN quản lý, và khoảng 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Đây là những kênh đã được xét duyệt để bật tính năng quảng cáo và chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các chủ kênh. Trong số này có rất nhiều các kênh đăng tải các nội dung vi phạm các quy định theo pháp luật của Việt Nam.
Theo Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT đã đưa ra một số giải pháp để “quét rác” những nội dung xấu, độc trên YouTube và sẽ kiên quyết thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, đối với YouTube, Google Bộ TT&TT sẽ yêu cầu thực hiện một số biện pháp sau: Yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, yêu cầu có đăng ký đủ thông tin, mã số thuế, tài khoản. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ TT&TT thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest (đề xuất xem) đối với các kênh mà Bộ TT&TT đã thông báo vi phạm. Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây.
Yêu cầu YouTube tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong việc phối hợp ngăn chặn gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm. Trong đó phải đặc biệt lưu ý gỡ kênh vi phạm sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ kênh, gỡ clip không thôi thì kênh đó vẫn tồn tại.
Bộ TT&TT yêu cầu Google, YouTube, Facebook nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng tại Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ về thuế và quản lý nội dung đối với nhà nước. Hiện nay Google và Facebook đang thu khoảng 400 triệu USD ở Việt Nam nhưng không có văn phòng đại diện, nên khi có sự cố, tranh chấp hoặc khiếu nại của khách hàng chỉ có thể liên lạc qua mail rất chậm và khó được giải quyết thỏa đáng cho người dùng.
Đối với các đại lý quảng cáo của YouTube, khi làm việc với Cục PTTH&TTĐT đều cho rằng, cơ chế của YouTube hiện nay không có giải pháp để ngăn chặn nội dung xấu độc, cho nên nên để tránh vi phạm, tránh tình trạng các nhãn hàng, thương hiệu có uy tín xuất hiện trên các video có nội dung xấu độc thì chỉ có cách là không đăng quảng cáo trên YouTube nữa. Do vậy, nếu các nền tảng xuyên biên giới muốn có doanh thu quảng cáo từ thị trường Việt Nam thì phải có cơ chế chặn lọc thông tin xấu độc trên nền tảng của họ.
Đối với các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam, hiện nay có rất nhiều vi phạm khi sản xuất nội dung đưa lên YouTube để kiếm tiền. Sắp tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ lập danh sách các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp kiếm tiền trên YouTube để quản lý, hiện ước tính có khoảng 15.000 người đang làm nội dung chuyên nghiệp, trong đó có 6.000 người trong hệ thống MCN. Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế,... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của nhà nước.