Hôm 14/3, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản mời Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan để kiểm tra Thông tư 02/2019 mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành tháng trước, ngày 11-2.

Như đã phản ánh, văn bản này ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong danh mục được công bố không liệt kê nhiều loại thức ăn chăn nuôi mà nhiều đời nay người dân vẫn sử dụng. Chẳng hạn, không liệt kê cà rốt, lá khoai sắn, bèo tây, bẹ chuối… vốn vẫn dùng để nuôi heo, gà, vịt, thỏ…

{keywords}
 

Trả lời phóng viên, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Đồng Ngọc Ba cho biết: “Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT là văn bản mới. Qua nghiên cứu ban đầu, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần trao đổi, làm rõ về tính hợp pháp, hợp lý.

Chẳng hạn, nguyên lý chung là phải giảm cơ chế cấp phép, xin cho. Vậy thì việc Bộ Nông nghiệp ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành có đáp ứng được không? Rồi việc lập danh mục theo cách liệt kê, chưa bao quát hết thức ăn chăn nuôi truyền thống như báo chí phản ánh thì có nên không? Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thì lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, đánh giá tác động… thế nào?”.

Kiểm tra thông tư do các bộ ban hành là nhiệm vụ do Chính phủ giao và là công việc thường xuyên của Bộ Tư pháp. Mục đích là phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo quy trình chung, các bộ khi ban hành thông tư luôn phải gửi một bản chính cho Bộ Tư pháp để hậu kiểm. Khi phát hiện vấn đề chưa rõ hoặc có lo ngại về tính hợp pháp, hợp lý của văn bản thì Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật làm việc với cơ quan ban hành và các bên liên quan. Qua trao đổi mà thấy có sai sót thì ra kết luận.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)