Ngày 26/4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) đã cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học lịch sử ở TP.HCM, Hà Nội và Thừa Thiên Huế tổ chức toạ đàm khoa học An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản.

Tại toạ đàm, một số nhà khoa học cho rằng, Cục Di sản văn hóa đã có sự tùy tiện và tắc trách trong việc công nhận lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến. Ngày 27/4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng các nhà nghiên cứu văn hóa và khoa học lịch sử đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan về việc rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay long trọng tổ chức lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. (Ảnh: TTXVN).

Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho hay, ngày 27/10/2021, Cục Di sản văn hóa nhận được Tờ trình số 197/TTr-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về việc đề nghị công nhận Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau khi nghiên cứu, xét thấy nội dung và thành phần của Hồ sơ đáp ứng đúng quy định tại Thông tư 04/2010 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngày 21/01/2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị Bộ trưởng đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đúng quy trình thẩm định. 

Trên cơ sở thấm định và khuyến nghị của Hội đồng, ngày 26/1/2022, Cục Di sản văn hóa đã trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 773/QĐ BVHTTDL).

Người đứng đầu Cục Di sản văn hóa cho biết, Hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu (Miếu An Sơn, nơi diễn ra Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Quyết định số 1442/QĐ.UB ngày 18/4/2007) và Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện Bà Hoàng Phi Yến (Lê Thị Răm, Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh là nhân vật truyền thuyết. Theo truyền thuyết của cư dân trên đảo, sinh thời, Bà từng cùng chúa Nguyễn lánh quân Tây Sơn chạy ra Côn Đảo. Tại đây, mẹ con Bà gặp nỗi oan khiên, con thì bị ném xuống biển mà chết, một lần suýt bị làm nhục, Bà chọn đường tự tử để giữ trọn tiết nghĩa. Kính ngưỡng đức hạnh và tiết tháo của Bà, lại thấy hai mẹ con Bà chết thiêng, dân trên đảo đã lập miếu (khoảng năm 1785) thờ cúng từ đó đến nay. Theo thông lệ, hằng năm, họ thường tổ chức lễ giỗ Bà tại miếu An Sơn.

Như vậy, Bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật dù chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết nhưng lại được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa và coi đây là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của Lễ hội tại miếu Miếu An Sơn, mà ngày ngay được xác định là Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Đây là một biểu đạt văn hoá/thực hành văn hoá đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hoá, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.

Việc đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ, đồng thời cũng là sự ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, cũng như vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hoá của họ để tạo nên sự đa dạng văn hoá của các dân tộc Việt Nam, chứ không mang ý nghĩa ghi danh nhân vật trong truyền thuyết hoặc ghi danh câu chuyện lịch sử hay câu chuyện truyền thuyết có liên quan.

Cục Di sản văn hoá cũng cho hay, trên phạm vi toàn quốc, hiện có 65.900 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó, mới chỉ có 431 di sản được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với 171 di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Hầu hết các lễ hội này đều có những yếu tố “thiêng”, gắn với các thần tích, truyền thuyết liên quan đến các nhân vật được phụng thờ, như thánh, thần được lịch sử hoá (các vị thần/thánh do dân gian sáng tạo được bồi đắp thêm yếu tố lịch sử - như Thánh Gióng) hoặc nhân vật có thật trong lịch sử lại được huyền thoại hoá (người thật được bồi đắp thêm yếu tố huyền thoại, được “thánh hoá” - như Trần Hưng Đạo) để có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn hoá dân gian và trong tâm thức cộng đồng.

Đó chính là một trong những yếu tố cấu thành di sản văn hoá phi vật thể. So với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận. Trong khi khái niệm cũng như hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản này còn tương đối mới (chính thức được luật hóa từ năm 2001); việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể chỉ là một trong những khâu bước đầu của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, nhận thức chung về di sản văn hóa phi vật thể trong giới quản lý, nghiên cứu, truyền thông và trong xã hội chưa thực sự thống nhất và đồng đều...

"Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là cơ quan truyền thông nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức xã hội về di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, tránh những cách hiểu, cách suy diễn không đúng tinh thần của Công ước 2003, Luật Di sản văn hoá về di sản văn hoá phi vật thể và việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách", bà Hiền nói.

Tình Lê