5h40 sáng, chuông báo thức reo vang, kéo anh Bùi Văn Tuyên (SN 1990, quê xã Bắc Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) ra khỏi giường, bắt đầu ngày mới của một công nhân mỏ than.
Anh Tuyên bốc máy gọi video nhanh với vợ và nhìn mặt con ở quê nhà.
Anh từng là cán bộ giúp việc tại trụ sở xã Bắc Sơn từ năm 2010. Với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, sau 9 năm làm việc, anh Tuyên không để dư ra được đồng nào.
Năm 2018, anh Tuyên bén duyên với một cô gái cũng làm ở trụ sở xã Bắc Sơn.
Lúc này, lương của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt của họ nên chưa thể nghĩ tới việc sinh con. Tình cờ sau một lần lướt mạng xã hội Facebook, anh thấy dòng quảng cáo với nội dung "việc làm ổn định, lương gần 20 triệu đồng và được nghỉ 8 ngày/tháng".
"Ban đầu, tôi nghi ngờ vì biết đâu là lừa đảo, nhưng qua tìm hiểu thì đây là nội dung của các công ty khai thác than ở Quảng Ninh đang tuyển dụng người làm, tôi quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn để có tiền lo cho vợ con", anh Tuyên tâm sự.
Xin nghỉ việc ở trụ sở xã, anh Tuyên khăn gói vượt hàng trăm cây số để "đầu quân" cho công ty than Hòn Gai.
Lần đầu xuống lò than, anh Tuyên vô cùng bỡ ngỡ, đó là những đường lò rất dài, cao rộng, sâu hun hút, nhiều ngóc ngách và đèn điện sáng trưng như một thành phố dưới lòng đất.
Những ngày đầu tiên “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”, với anh Tuyên là những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là sự bỡ ngỡ, có chút háo hức, lo lắng, rồi có lúc thấy mệt mỏi, có mồ hôi, nước mắt, nụ cười.
Thời gian đầu đúng là thử thách chia đều cho mỗi thợ mỏ, dễ làm lòng người nản chí, nhưng sau khi vượt qua, anh Tuyên thêm yêu nghề này hơn.
Đến nay, anh Tuyên đã rất quen công việc, vui buồn sướng khổ đều có cả. Từng đường lò, tầng than đã gắn bó với anh hàng ngày. Trong môi trường khắc nghiệt dưới lò sâu, những người thợ lò như anh luôn ghi nhớ, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng về người và tài sản. Nhưng với kinh nghiệm nằm lòng, từng dòng "vàng đen" được anh Tuyên cùng những công nhân khác cho chảy ngược lên mặt đất.
Sau gần 5 năm làm việc, với mức lương 18 triệu đồng/tháng, anh Tuyên đã xây được nhà hai tầng khang trang ở quê nhà Hoà Bình, vừa mua xe máy mới làm món quà tặng vợ. Dự định sắp tới, anh sẽ đưa vợ con ra hẳn Quảng Ninh để lập nghiệp.
Khi vợ chuẩn bị đi ngủ thì cũng là lúc thợ lò Ma Khắc Huỳnh (30 tuổi, quê Thái Nguyên) chuẩn bị tư trang để rời khỏi nhà lên xe vào hầm lò làm việc ca 3 lúc nửa đêm.
Công việc của người đàn ông 30 tuổi này là đào đường hầm lò, mở đường cho công nhân mỏ vào đào than. Cứ thế, hơn 8 năm làm việc, không biết bao nhiêu kilomet đường lò ngang dọc đã được anh và đồng nghiệp tạo ra.
Kể về cơ duyên đến với nghề, anh Huỳnh cho biết đã xác định con đường là một công nhân mỏ than từ năm lớp 12. Hoàn thành chương trình học hệ THPT, anh theo học 4 năm chuyên ngành mỏ than tại TX Đông Triều, Quảng Ninh. Năm 2015, anh Huỳnh nộp hồ sơ xin việc tại Ccng ty than Hòn Gai - TKV và được sắp xếp công việc đào đường hầm lò.
Do tính chất công việc là mở đường, anh cùng tổ công nhân luôn là những người tiên phong và cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Giống những công nhân khác, công việc của anh chia làm 3 ca trong ngày. Để phá những tảng đá, đất chặt thì hầu như phải dùng đến mìn; đất mềm thì cuốc bằng tay.
"Có những hôm làm ca 2, đường lò phải hoàn thành để cho nhóm khác vào đào than, chúng tôi làm quá giờ ăn tối. Giờ giải lao, chúng tôi ăn bánh mì, bánh bao, sữa hộp. Cơm dưới hầm lò sẽ khác hẳn với cơm trên mặt đất, lâu lâu có hạt than nhỏ rơi vào thức ăn, chúng tôi vớt ra rồi trêu đùa nhau rằng có thêm hạt tiêu trong bữa", anh Huỳnh chia sẻ về những kỷ niệm làm thợ mỏ.
Với anh Huỳnh, nghề thợ lò đem lại nguồn thu nhập tốt khi mỗi tháng nhận được gần 20 triệu. Đến nay, anh đã xây mới nhà cho bố mẹ ở quê, đón được vợ xuống Quảng Ninh lập nghiệp và chuẩn bị có thêm "thiên thần nhỏ" của gia đình.
Đây cũng là động lực để anh Huỳnh cố gắng hơn, làm việc an toàn hơn. Anh luôn nghe bài tình ca người thợ mỏ, đến đoạn "thợ mỏ vào ca cũng là chiến sĩ...", anh cùng đồng nghiệp chuẩn bị tư trang để xuống lò than, vào ca làm việc.
Đại diện công ty than Hòn Gai - TKV cho biết, người lao động được tuyển chọn rất kỹ càng, có họ trình độ văn hoá THPT hoặc THCS, cao từ 1m58 trở lên, nặng từ 50kg, có nguyện vọng, đủ sức khoẻ để học tập và làm việc.
Ngoài ra, lực lượng công nhân không được mắc các tệ nạn xã hội, ưu tiên con em của nhân viên trong công ty, bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người có gia đình hoàn cảnh chính sách. Tất cả đều phải trải qua quá trình học tập, thực hành để có bằng sơ cấp và trung cấp nghề mỏ.
Hiện tại, công ty đang có hơn 4.000 lao động, trong đó thợ lò chiếm quá nửa. Công ty luôn duy trì các chế độ đãi ngộ thoả đáng với người lao động trực tiếp trong hầm lò.
Những công nhân xa nhà sẽ được hỗ trợ ở tại 3 khu nhà tập thể khang trang với số lượng 250 phòng, phục vụ tối đa chỗ ở cho hơn 1.000 công nhân.
Chuyện phía sau clip 2 người đi ô tô giúp gia đình công nhân trong mưa rét
Thạc sĩ thất nghiệp đổ xô vào nhà máy làm công nhân
Gần 1/3 trong số 135 công nhân dây chuyền mới có bằng thạc sĩ. Những người còn lại đều từ cao đẳng trở lên, một số còn tới từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.