Thuốc lá thế hệ mới không ít tác hại hơn
Ngày 3/10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết các tập đoàn thuốc lá lên tiếng tham gia truyền thông vì trách nhiệm cộng đồng. Tuy nhiên, họ không khuyên người dân bỏ thuốc lá mà khuyến khích lựa chọn sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trên thực tế, các loại này không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố.
Ông Khoa khẳng định đến nay không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Các loại thuốc lá thế hệ mới đều chứa 1 lượng nicotine rất cao và có thể gây nghiện, hại tới sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ của trẻ em, thanh thiếu niên, chứa hóa chất độc hại gây ung thư.
Về thông tin thuốc lá điện tử giảm tác hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường, ông Khoa khẳng định đó là ý kiến của nhóm nhỏ chuyên gia trên cơ sở một bài báo được ngành công nghiệp thuốc lá tài trợ và không đảm bảo cơ sở khoa học.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho hay đơn vị này đã có thông tin về một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế tham gia hội thảo, tọa đàm có sự tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá, đặc biệt có quan điểm không phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Qua làm việc, trao đổi, các cán bộ đã nhận thức được việc làm của mình chưa đúng.
Số người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới gia tăng
Báo cáo tổng kết 10 năm thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá giảm đáng kể. Trong đó, nhóm từ 13 đến 17 tuổi giảm 50% tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019 (điều tra của WHO). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu đối với nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt ở giới trẻ, đang gia tăng. Trong 2 năm qua (2022-2023), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-15 tuổi tăng đáng kể từ 3,5% lên 8%.
WHO đưa ra tuyên bố, việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho cộng đồng. WHO kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thực hiện đầy đủ về các biện pháp phòng chống thuốc lá trong Công ước khung FCTC thay vì sử dụng các sản phẩm được cho là ít hại.
Bộ Y tế đưa ra quan điểm không nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không khách quan và không đúng sự thật. Không lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi khi xây dựng chính sách pháp luật.
Khói thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA). Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu thông thường nhưng nồng độ một số chất khác lại cao hơn và thêm những chất mới, có khả năng gây hại cho sức khỏe. |